Điều chỉnh biện pháp y tế ca bệnh Covid-19

Thứ sáu, ngày 13/05/2022

(BDO) Tỷ lệ bao phủ vắc xin cao

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh Covid-19 đã đạt tỷ lệ bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong có liên quan đến Covid-19 liên tục giảm sâu, phần lớn các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện, triệu chứng nhẹ. Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang được kiểm soát trên cả nước. Thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ Y tế điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, các biện pháp y tế và người tiếp xúc gần. Điều chỉnh này thể hiện rõ trong Công văn số 1909/BYT-DP của Bộ Y tế”.

Tỷ lệ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 của Bình Dương khá cao. Trong ảnh: Người dân TP.Thủ Dầu Một tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Tại Bình Dương, tỷ lệ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 cũng khá cao. Thống kê trên Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, tính đến nay toàn tỉnh đã tiêm được hơn 6,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó đã tiêm mũi 1 hơn 2,9 triệu liều, hơn 2,3 triệu liều mũi 2, mũi 3 hơn 1,3 triệu liều và mũi 4 hơn 25.600 liều. Tính theo độ tuổi, toàn tỉnh đã tiêm được 45.057 liều vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Trong khi trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm được 367.838 liều và người từ 18 tuổi trở lên tiêm được hơn 4,8 triệu liều.

Theo Cục Thống kê tỉnh, dân số tỉnh tính đến tháng 8-2021 là 2.066.553 người. Như vậy, tỷ lệ dân số Bình Dương tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 đạt hơn 137% dân số, mũi 2 hơn 113% và mũi 3 hơn 63,4% dân số. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu thống kê trên Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, thực tế số người tiêm vắc xin tại tỉnh cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân chính là nhiều địa phương không nắm chính xác số liệu dân cư, chưa cấp mã định danh, hệ thống nhập liệu cho công tác tiêm chủng chưa hoàn chỉnh, thao tác phức tạp, chất lượng kết nối mạng internet chưa tốt nên các cơ sở tiêm vắc xin chưa kịp nhập trực tiếp số liệu ngay sau tiêm mà phải nhập đuổi nên dẫn đến sai sót về dữ liệu. Hiện ngành y tế cùng với các địa phương tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà rà từng đối tượng, phát hiện những người chưa tiêm hoặc ngại tiêm để tuyên truyền, mời người dân ra tiêm.

Điều chỉnh định nghĩa và biện pháp y tế

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết hiện nay định nghĩa về ca bệnh và biện pháp y tế đã được Bộ Y tế điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh trên cả nước. Theo đó, ca bệnh giám sát hay ca bệnh nghi ngờ là một trong số các trường hợp có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện triệu chứng sốt, ho hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng: Sốt, ho, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, đau, nhức đầu, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi giảm hoặc mất khứu giác, giảm hoặc mất vị giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó thở; là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính hoặc viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do vi rút có chỉ định nhập viện.

“Đặc biệt, trong lần điều chỉnh này, ca bệnh xác định được phân định rõ là người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR, có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với Covid-19. Tất cả các ca bệnh giám sát, ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định đều thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định của Bộ Y tế”.

Trên cơ sở những thay đổi thì người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp có tiếp xúc cơ thể trực tiếp, như: Bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của F0. Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền. Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 đang trong thời kỳ lây truyền. Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lan truyền ca bệnh xác định, F1 cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp y tế. Trước tiên cần bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng, không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập, hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

F1 cần tự theo dõi sức khỏe. Đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ, người giám hộ, giáo viên theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng của bệnh sốt và ho hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sốt, ho, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức đầu, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, giảm hoặc mất khứu giác, giảm hoặc mất vị giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó thở cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Khi có kết quả dương tính với Covid-19, người dân phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.

Trong lần điều chỉnh này của Bộ Y tế, ca bệnh xác định được phân định rõ là người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR, có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với Covid-19.

KIM HÀ

Từ khóa: