Điện toán đám mây giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Thứ sáu, ngày 23/06/2017
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điện toán đám mây được coi là một thành phần nền tảng có tác động lớn đến tổ chức, doanh nghiệp.

(BDO) Giới chuyên môn cho biết "khoảng cách số" sẽ càng lớn dần khi các nền kinh tế phát triển đạt được nhiều tiến bộ nhờ những đầu tư mạnh mẽ vào CNTT và Truyền thông (ICT), còn nhiều nước đang phát triển vẫn chưa nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, cũng như các quốc gia ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, Việt Nam cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ chiến lược trong quy hoạch kinh tế để kích hoạt các nguồn nội lực và đạt được tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây như là chất xúc tác mạnh, kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT.

Tại hội thảo Điện toán đám mây Việt Nam 2017 ngày 22-6 ở Hà Nội, PGS. TS. Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) cho biết trong các nước ASEAN, Việt Nam có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất, đạt tới 64,4%/năm. Mức này hơn hẳn bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42.5%).

Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam lại rất thấp, chỉ 1,7 USD mỗi người trong năm 2016, thấp hơn 107 lần so với Singapore, 6,5 lần so với Malaysia, 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines.

PGS. TS. Vũ Minh Khương.

PGS. TS. Vũ Minh Khương.

Ông Lê Viết Thanh Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế FPT (thuộc FPT Telecom), nhận định: "Hiện nay, chi phí đầu tư cho điện toán đám mây trên thế giới có mức tăng trưởng ấn tượng. Đến năm 2020, thị phần hạ tầng cloud được dự báo sẽ vượt qua cả hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center) truyền thống. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhất là ở một thị trường có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam".

Hiện FPT Telecom đã hợp tác với đối tác Nhật Bản IIJ để cung cấp dịch vụ HI GIO Cloud có tính năng toàn diện đầu tiên tại Việt Nam cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Người dùng có thể khởi tạo máy chủ ảo nhanh chóng, thuận tiện trong vòng 5 phút, thay vì mất từ 6-8 tuần cho việc đặt mua và triển khai hệ thống như hiện nay. Bên cạnh đó, việc thuê dịch vụ FPT HI GIO Cloud cũng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 40%- 60%.

Hội nghị Điện toán đám mây Việt Nam 2017 do VINASA phối hợp tổ chức với Trường Lý Quang Diệu ngày 22-6 tại Hà Nội nhằm mục đích góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường và nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp phần mềm Việt chuyển dịch, cung cấp dịch vụ trên nền tảng đám mây, sẵn sàng đón bắt cơ hội của làn sóng công nghiệp 4.0.

Theo VNE