Diện tích trồng kiệu giảm vì thời tiết
Hàng năm, vụ rau màu phục vụ Tết Nguyên đán luôn hứa hẹn đem lại lợi nhuận cho người nông dân. Tuy thời tiết không thuận lợi, nhưng những ngày này, người trồng rau trong tỉnh đang tích cực chăm sóc diện tích đã xuống giống để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
(BDO)
Khuyến khích áp dụng VietGAP
Rau màu tiêu thụ dịp tết thường tăng cao nên nông dân đã chủ động gieo trồng rau màu để thu hoạch đúng vào dịp tết, vừa bán được giá vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Phần lớn diện tích rau màu được nông dân trồng trong thời điểm này là dưa leo, khổ qua, hành lá, kiệu, đậu rồng... Đối với các loại rau lấy củ và rau ăn quả, do thời gian sinh trưởng lâu hơn nên được trồng sớm hơn rau ăn lá.
Nông dân phường Hiệp An đang chăm sóc cây kiệu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất rau màu, với hơn 200 ha chuyên sản xuất rau màu quanh năm. Những ngày này, nhiều nông dân trong phường đang tất bật dọn đất, xuống giống nhiều loại rau màu cung ứng cho thịtrường tết. Để rau màu phát triển tốt, lãnh đạo Hội Nông dân phường luôn động viên bà con đẩy mạnh chăm sóc, đặc biệt là áp dụng quy trình VietGAP để có những sản phẩm rau màu an toàn, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Thơ, nông dân ở phường Uyên Hưng gieo trồng khoảng 10.000m2 hành lá. Ông Thơ cho biết, hành lá vụ tết thường bán được giá cao hơn ngày thường nên thu nhập cũng khá hơn.
Bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết thêm để nông dân sản xuất rau màu mùa tết thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, chi cục đã phối hợp với một số địa phương tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách chọn giống tốt, biện pháp phòng chống các loại sâu hại, dịch bệnh, kỹ thuật bón phân hợp lý… Chi cục cũng khuyến khích nông dân áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn hoặc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP để tiết kiệm chi phí sản xuất, nông sản an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Giảm diện tích trồng kiệu vì thời tiết
Đến hẹn lại lên, vào những ngày này, không khí trên những cánh đồng kiệu ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một lại rộn ràng. Để chuẩn bị cho mùa kiệu tết, nông dân phải chuẩn bị giống và gieo trồng từ khoảng đầu tháng 8 âm lịch. Theo các hộ trồng kiệu ở đây, thời tiết năm nay không được thuận lợi, mưa nhiều khiến cho vườn kiệu bị ngập úng. Mưa nhiều còn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nên dự kiến năng suất kiệu giảm hơn so với các năm trước.
Ông Đoàn Văn Lập, người trồng kiệu lâu năm ở phường Hiệp An, chia sẻ không phải mua kiệu giống về là có thể xuống giống ngay được, mà cần trải qua rất nhiều công đoạn như đập đất, cắt ngọn, phơi giàn rồi mới chuẩn bị đất để xuống giống. Kiệu là món ăn truyền thống được ưa chuộng trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Để có được những củ kiệu to, trắng, đẹp mắt, ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, người dân trong vùng đã tất bật chuẩn bị, từ khâu chọn mua giống đến chuẩn bị đất để xuống giống kiệu.
Theo các gia đình trồng kiệu, bình quân 1kg kiệu giống nông dân thu được 15kg kiệu thương phẩm. Năm ngoái, vào đầu mùa kiệu, các gia đình bán được giá, từ 13.000 - 15.000 đồng/kg; tới dịp cận tết giảm xuống còn 9.000- 10.000 đồng/kg. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng đến chất lượng củ kiệu, nên nhiều gia đình đã giảm diện tích gieo trồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp An cho biết, toàn phường có 12 ha đất được luân canh trồng rau màu. Hiện nhiều gia đình nông dân trong phường đang tất bật chăm sóc rau màu các loại để phục vụ thị trường tết sắp tới. Riêng diện tích trồng kiệu trên địa bàn phường, vụ mùa năm nay đã giảm đáng kể so với năm trước, bà con chỉ trồng khoảng 1,5 ha để phục vụ cho dịp tết.
QUỲNH NHIÊN