Điện tăng giá không tác động lớn đến hàng hóa thiết yếu

Thứ hai, ngày 28/02/2011

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu... không lớn, do vậy tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện sẽ là không đáng kể.

 

>> Giá điện sẽ áp dụng theo 7 bậc từ ngày 1.3

Thừa nhận việc tăng giá điện lên 165 đồng/kWh sẽ làm tăng CPI khoảng 0,46%, giá thành sản xuất cũng sẽ tăng từ 0,01-1,33%, trong cuộc họp chiều 26-2, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: việc tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

 

 

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Việc điều chỉnh giá điện năm 2011 là bước đi trong lộ trình thực hiện thị trường hóa giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn cung cấp, đủ năng lực truyền tải và phân phối điện, vận hành ổn định.

 

Theo Thứ trưởng, việc tăng giá điện cũng nhằm xử lý một số vấn đề mang tính căn bản, dài hạn hơn để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phát triển điện lực ở nước ta.

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, giá điện Việt Nam trong những năm qua vẫn đang ở mức thấp và thấp hơn giá thành thực tế cho sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào theo giá thị trường. Do vậy, giá điện không bảo đảm được cân bằng tài chính cho các đơn vị sản xuất điện, không hấp dẫn được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn tới tình trạng chậm đầu tư các nguồn điện mới đồng thời không không khuyến khích doanh nghiệp và người sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

 

Chưa kể chi phí cho sản xuất kinh doanh điện cũng đã tăng cao. Việc các nhà máy nhiệt điện chạy than mới đưa vào vận hành phát không ổn định, điều kiện thủy văn bất lợi, hạn hán kéo dài, các nguồn điện có giá cao  (nguồn điện chạy dầu, nhập khẩu) đã làm tăng thêm chi phí tới hàng nghìn tỷ đồng.

 

Áp dụng 7 bậc giá đối với điện sinh hoạt

 

Cũng trong cuộc họp, lãnh đao Bộ Công thương cho biết, từ ngày 1/3 tới, biểu giá điện sinh hoạt đã được Chính phủ phê duyệt sẽ gồm 7 bậc. Bậc thứ nhất (từ 0-50kWh) sẽ có giá được tính ở mức bằng 80% so với giá điện bình quân (993.6 đồng/kWh), áp dụng đối với các hộ có thu nhập thấp thường xuyên sử dụng điện ở mức dưới 50kWh. Bậc thứ 2 (0-100kWh) sẽ có giá 1.242 đồng, các bậc tiếp theo sẽ tăng dần với mục tiêu để khuyến khích tiết kiệm sử dụng điện.

 

Các hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí do Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng.

 

Những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, giá sàn điện sinh hoạt bằng 1,5 lần giá điện bình quân, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.

 

Cơ sở để xây dựng giá điện năm 2011 được lãnh đạo Bộ Công Thương công bố tại cuộc họp gồm 4 vấn đề chính. Thứ nhất là giá than cho sản xuất điện tăng 5% so với hiện hành (bằng 66-72% giá thành sản xuất than năm 2010).

 

Thứ hai là doanh nghiệp đang phải chịu chênh lệch tỷ giá là 1.400đ/USD khi thanh toán theo tỷ giá liên ngân hàng và xấp xỉ 3.000đ/USD khi thanh toán theo tỷ giá thị trường tự do.

 

Thứ ba là lợi nhuận của EVN được tính bằng 0%. Việc điều chỉnh giá điện là để bù đắp các chi phí đầu vào và để giảm một phần lỗ đã phát sinh cho doanh nghiệp.

 

Cơ sở cuối cùng để tăng giá theo Bộ Công thương chính là các chi phí  phát sinh của EVN từ các năm trước vẫn chưa được tính vào giá điện năm 2011 để thu hồi, các chi phí còn treo lại như chi phí vận hành bảo dưỡng, chi phí tiếp nhận điện hạ áp nông thông từ năm 2010 trở về trước, phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện năm 2011, chi phí lãi vay vốn lưu động cho mua dầu phát điện trong mùa khô 2011…

 

Theo VTC