Diện mạo đô thị Bình Dương – Kỳ 1
(BDO) Kỳ 1: Đô thị phát triển nhanh
Thực hiện Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2010- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu; bộ mặt đô thị phát triển nhanh theo hướng văn minh, hiện đại.
Khẳng định vai trò đô thị trung tâm
Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2010- 2015, tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là xây dựng đô thị Bình Dương trở thành một cực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh; là đô thị công nghiệp - dịch vụ - thương mại - du lịch của tỉnh. Phấn đấu sau năm 2015, đô thị Bình Dương có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I, để đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, Bình Dương đã đạt 14/18 chỉ tiêu đô thị loại I đề ra như: Quy mô dân số toàn đô thị năm 2011 là 1,6 triệu người nhưng đến năm 2015 ước đạt 2 triệu người, tiêu chuẩn đô thị loại I đề ra là 1 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa năm 2011 là 65%, đến năm 2015 ước đạt 76,9%, theo tiêu chuẩn đô thị loại I là 70%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp năm 2011 là 88%, ước năm 2015 đạt 90%, tiêu chuẩn đô thị loại I lớn hơn hoặc bằng 85%...
Thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2010-2015, bộ mặt đô thị của Bình Dương đã phát triển với tốc độ nhanh, theo hướng văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Một góc đô thị Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: X.THI
Hiện nay, Bình Dương cơ bản đã trở thành một trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đô thị Thủ Dầu Một cơ bản đạt nền tảng đô thị loại I, cùng với Vũng Tàu, Biên Hòa, Mỹ Tho đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hình thái đô thị đã cơ bản hình thành theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương bao gồm vùng đô thị trung tâm (Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên), các đô thị phía nam của tỉnh (Thuận An, Dĩ An) và vùng đô thị vệ tinh phía bắc của tỉnh (các đô thị loại V thuộc các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng). Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh tại khu vực đô thị mới thuộc phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một đã từng bước khẳng định vai trò của đô thị trung tâm. Khu đô thị mới tại phường Hòa Phú với quy mô diện tích trên 1.000 ha đang từng bước hình thành với việc xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình như: Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường THPT Nguyễn Khuyến, các công trình tôn giáo… Đặc biệt, tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương đang thực hiện một số dự án nhà ở có quy mô lớn như Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ xây dựng Khu đô thị Tokyu và chung cư Sora Gardens.
Các khu vực đô thị cũ của Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên… cũng đang được cải tạo, chỉnh trang theo hướng từng bước hiện đại. Một số dự án có quy mô cao tầng góp phần hình thành bộ mặt kiến trúc đô thị như: Khu tổ hợp Goucoland, Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương (TX.Thuận An), Trung tâm thương mại - cao ốc văn phòng - khách sạn Becamex Center (TP.ThủDầu Một)… Ngoài ra, một số dựán du lịch dọc theo 2 hành lang sông Sài Gòn và sông Đồng Nai như Dìn Ký, Mắt Xanh; các khu nhà vườn nghỉ dưỡng ven sông như khu biệt thựPhú Thịnh, khu biệt thự nhà vườn Chánh Mỹ… đã góp phần tạo ra sức hấp dẫn riêng đối với đô thị Bình Dương.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả tốt. Theo đó, 48/48 xã trong tỉnh đã hoàn thành đề án xã nông thôn mới, 30/48 xã được công nhận xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Bình Dương theo hướng đô thị hóa.
Thực hiện quy hoạch đồng bộ
Thực hiện chương trình phát triển đô thị, trong thời gian qua Bình Dương đã thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ. Theo đó, tỉnh đã lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn như Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020 được phê duyệt tạo tiền đề định hướng phát triển đô thị Bình Dương... Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2011-2015 có 30/41 phường được lập và phê duyệt quy hoạch phân khu (đạt tỷ lệ 73,2%), 10 đồ án quy hoạch chung, 41 đồ án quy hoạch chi tiết (khu nhà ở, khu đô thị mới, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao), 4 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, 48 đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Cùng với đó, Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) tỉnh Bình Dương ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thời gian qua công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã từng bước đi vào nề nếp. Tỉnh đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Bình Dương, đô thị Thủ Dầu Một và đô thịThuận An; còn quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Dĩ An đang trình phê duyệt. Các đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt hầu hết được ban hành quy chế kèm theo để quản lý. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng điều chỉnh quy định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một và đang lập quy hoạch chuyển đổi công năng sử dụng đất tại khu vực đất của các cơ quan nhà nước đã di dời vào Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh nhằm cải tạo, chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một… Thông qua các đồán quy hoạch và dự án lớn, có tính chất quyết định đối với phát triển đô thị Bình Dương như quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông và giao thông công cộng… đã góp phần định hướng rõ hơn việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chương trình phát triển đô thị của tỉnh.
Hiện nay, Bình Dương đã hoàn thành nâng cấp đô thị Thủ Dầu Một từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; nâng cấp các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thành thị xã, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và đang lập đề án đề nghị công nhận các đô thị Thuận An, Dĩ An đạt tiêu chuẩn đô thị loại III theo lộ trình. Hai huyện mới được thành lập là Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên cũng đang được tập trung đầu tư trung tâm hành chính huyện lỵ; đô thị Bàu Bàng, (huyện Bàu Bàng) và đô thị Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Ngoài ra, các khu vực dân cư tập trung như Long Hòa, Thanh Tuyền, An Lập, Minh Hòa, Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng), Phước Vĩnh, Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) cũng đang được đầu tư nâng cấp để hình thành các đô thị mới.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng, nếu so với yêu cầu của tiêu chuẩn đô thị loại I thì đến nay tỉnh có 16 chỉ tiêu đạt khá, 1 chỉ tiêu đạt mức tối thiểu, chỉ còn 1 chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật chưa đạt là tỷ lệ nước thải sinh hoạt nội thị được thu gom và xử lý. Tuy nhiên, chỉ tiêu này có khả năng khắc phục được trong thời gian tới do hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cơ bản đã được đầu tư xây dựng hoàn thành, chỉ còn công tác đấu nối từ các hộ vào hệ thống thu gom của nhà máy.
Kỳ 2: Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật
PHƯƠNG LÊ