Diễn đàn Nông dân Việt Nam: Tìm cách gỡ khó về thiếu vốn, thiếu đất cho nông dân
(BDO) Nhiều nông dân, hợp tác xã cho biết đang gặp khó khăn về vốn để tái thiết sản xuất sau bão số 3 và thiếu đất để mở rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX có chủ đề: "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói".
Những vướng mắc về thiếu vốn, thiếu đất mở rộng sản xuất nông nghiệp của nông dân, hợp tác xã đã được lãnh đạo Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe và cùng tìm cách tháo gỡ.
Đây một trong những nội dung được trao đổi tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX với chủ đề: "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức hôm nay 14/10 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024."
Làm thế nào để đồng vốn sớm đến tay bà con?
Qua tổng hợp ý kiến của các hội viên, nông dân, hợp tác xã cả nước cho thấy có nhiều ý kiến quan tâm đến việc tái thiết và phục hồi sản xuất sau thiên tai do cơn bão Yagi và lũ lụt vừa qua, trong đó nổi lên các vấn đề lớn như hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Đặc biệt, bà con nông dân và các hợp tác xã đều đề xuất cần tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ và cho vay nguồn vốn mới đối với những hộ dân bị thiệt hại trực tiếp từ bão lũ vừa qua, giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Tại diễn đàn, nông dân Nguyễn Sỹ Bính, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ Quảng Ninh chia sẻ cơn bão số 3 vừa qua đã "cướp đi" tất cả tài sản nuôi trồng tích lũy bao năm, ước tính mỗi thành viên hợp tác xã thiệt hại 5-6 tỷ đồng. Để khôi phục lại sản xuất, bà con trong hợp tác xã đang rất cần hỗ trợ về vốn.
Ông Nguyễn Sỹ Bính đề nghị Nhà nước, các sở, ngành, đặc biệt là hội nông dân tham gia thống kê thiệt hại và chi trả hỗ trợ thiệt hại sau bão đồng thời kiến nghị với các bộ ngành tiếp tục tìm nguồn vốn và hỗ trợ cho nông dân vay; khoanh nợ, giãn nợ, hoãn trả đối với những khoản vay đã bị cơn bão làm thiệt hại; cho vay khoản vay mới với lãi suất ưu đãi nhất để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Chia sẻ với những mất mát, khó khăn của người nông dân sau cơn bão số 3 Yagi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ sự cảm phục với nghị lực vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại, tái thiết sản xuất của bà con nông dân. Chỉ 2-3 ngày sau khi mưa lũ đi qua bà con đã xuống giống rau vụ Đông để kịp thời phục hồi sản xuất.
"Một trong những vấn đề mà nhiều bà con quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào có vốn để sớm khôi phục lại sản xuất. Vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh, rất sớm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng vào cuộc giúp bà con tháo gỡ khó khăn, tái thiết lại sản xuất và cuộc sống,” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lắng nghe, chia sẻ với các ý kiến của nông dân, hợp tác xã.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong tuần tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao đồng vốn sớm đến tay bà con. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng bà con tái thiết, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Gỡ khó bằng quy định mới về đất đa mục đích
Tại diễn đàn, nhiều nông dân cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên nông dân phát triển sản xuất, vấn đề về quy hoạch sản xuất. Đặc biệt, những khó khăn do thiếu quỹ đất để mở rộng các mô hình sản xuất có có hiệu quả kinh tế cao đã được nhiều nông dân chia sẻ.
Nông dân Trần Kim Phi, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết nuôi cá lóc trong bể lót bạt trên vùng cát Lệ Thủy của Quảng Bình là nghề mới, tạo việc làm, thu nhập tốt hơn cho nông dân. Tuy nhiên, bà con đang gặp khó khăn về mở rộng mô hình bởi thiếu quỹ đất.
Chia sẻ tại diễn đàn, nông dân Nguyễn Hữu Ánh, nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cà Mau cho hay vùng Cà Mau dồi dào thủy sản, tôm, cá, mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng rất hiệu quả. Quá trình nuôi hơn 20 năm qua cho thấy đất thổ nhưỡng Cà Mau nuôi cá chình rất tốt, nhưng bà con cũng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng phát triển các mô hình nuôi cá chình do thiếu quỹ đất. Quy hoạch 100% đất nông nghiệp không cho chuyển mục đích, chuyển nghề nghiệp khiến bà con không có đất để phát triển mô hình nuôi cá chình.
“Trong khi một số hộ dân phải bỏ đất hoang vì làm ruộng lỗ, làm mướn có lời hơn thì nhiều hộ dân muốn chuyển đổi sang nuôi cá chình không được do không cho chuyển đổi đất nông nghiệp,” ông Nguyễn Hữu Ánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Ánh kiến nghị cần nhìn lại vùng nào nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả thì cho phép chuyển đổi để nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần cho phát triển kinh tế của quê hương.
Chia sẻ với những vướng mắc của ông Nguyễn Hữu Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết đã xuống thực tế tại địa phương và nhận thấy nuôi cá chình rất mạnh. Hội Nông dân Việt Nam đã mời Bí thư tỉnh ủy Cà Mau cùng xuống xem tận nơi xem xét và thống nhất sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ cho bà con.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thêm: “Luật Đất đai năm 2024 vừa qua đã đưa vào thuật ngữ mới đó là ‘đất đa mục đích,’ có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch. Có lẽ các địa phương vẫn còn đang lúng túng chưa tiếp cận được những thay đổi của Luật Đất đai.”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng thuật ngữ “đất đa mục đích” được quy định trong Luật Đất đai mới sẽ gần như “cởi trói” được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình và nhiều địa phương khác.
Tại diễn đàn, các vấn đề về xây dựng thương hiệu nông sản, quảng bá nông sản trên các nền tảng số; cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải hướng tới mục tiêu Netzero... cũng đã được trao đổi giữa đại diện nông dân, hợp tác xã và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Theo TTXVN