Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF): Vinh danh Vùng thông minh Bình Dương

Thứ sáu, ngày 02/07/2021

(BDO) Cộng đồng quốc tế ghi nhận

Kết quả trên khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chiến lược đúng đắn và những bước phát triển kiên định, vững chắc của Bình Dương trong thời gian qua. ICF đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới, từ đó lựa chọn ra top 21 (Smart 21). Top 21 sẽ được tiếp tục so sánh và đánh giá kỹ lưỡng, trực tiếp và gián tiếp, qua đó chọn ra top 7 những vùng có chiến lược phát triển thông minh nhất.

Khu vực thành phố mới Bình Dương được xác định là trung tâm kết nối vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương

Một khu vực lọt vào top 7, trước hết cần thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe đã được kiểm tra tại vòng top 21. Cụ thể là về nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng. Đặc biệt tại vòng top 7, ICF còn nghiên cứu đánh giá về chiều sâu nội hàm của chiến lược phát triển của các địa phương, nhìn nhận vào tính kế thừa, sự sâu sắc và tính kiên định của chiến lược, nhằm cuối cùng tạo ra những giá trị phục vụ cho sự phồn vinh và hạnh phúc của cộng đồng. Thông qua việc triển khai những chiến lược đột phá, tiêu biểu là đề án Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương - trọng tâm của Đề án Thành phố thông minh (TPTM) trong giai đoạn phát triển sắp tới, Bình Dương đã được ICF đánh giá cao.

Chiến lược đúng đắn

Để được ICF vinh danh trong top 7, 25 năm qua Bình Dương, mà trước hết là lãnh đạo tỉnh đã luôn kiên định với triết lý lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược. Từ đó cố gắng kiến tạo một hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ người dân, nhà đầu tư và lực lượng lao động. Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành, cùng chia sẻ, thấu hiểu và định hướng tương lai, tất cả vì sự hạnh phúc của cộng đồng.

Đứng trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương - vùng kinh tế công nghiệp lớn với hệ thống chính quyền năng động, cơ sở hạ tầng hiện đại là nền tảng cho Đề án TPTM ra đời năm 2016, tạo sự đột phá phát triển toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ. Bình Dương được hoạch định đặc biệt theo 6 tiêu chí của tổ chức uy tín ICF, với mục tiêu sớm được gia nhập mạng lưới này. 6 tiêu chí đó cũng là những nền tảng cơ bản quan trọng để phát triển đô thị thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế số, bao gồm: (1) Băng thông rộng được triển khai trong khu vực, (2) Lực lượng lao động trí thức cũng như hoạt động đào tạo và nghiên cứu, (3) Chính sách và hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, (4) Bình đẳng tiếp cận công nghệ số cho tất cả mọi người trong cộng đồng, (5) Phát triển bền vững, (6) Sự ủng hộ khích lệ từ cả cộng đồng. Để đạt được các tiêu chí trên, tỉnh đã quy hoạch vùng thông minh và tiên phong phát triển theo các tiêu chí, trở thành thành viên của ICF. Trở thành thành viên ICF sẽ giúp Bình Dương mở rộng giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với gần 200 tỉnh thành thịnh vượng trên toàn cầu trong ICF, cùng hòa mình với những xu thế phát triển mới của thế giới, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, định vị lại danh tiếng trên trường quốc tế.

Triển khai Đề án TPTM 5 năm qua đã góp phần thực hiện hóa được 4 chương trình đột phá của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2016-2020. Từ các chương trình đổi mới, Bình Dương đã đạt được một số thành tựu rất ấn tượng như số lượng doanh nghiệp trong tỉnh từ đầu năm 2016-2020 tăng đáng kể, không chỉ về lượng mà còn về chất, hợp tác quốc tế tăng đột biến, cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt hạ tầng giao thông. Toàn tỉnh hiện đã có 3 thành phố (TP.Thủ Dầu Một đạt đô thị loại I, 2 TP.Thuận An và TP.Dĩ An cơ bản đạt đô thị loại II); tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%. Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, là địa phương duy nhất cho đến nay đã xóa hết hộ nghèo; xây dựng môi trường sống xanh, sạch... đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp.

Bình Dương đã đăng cai tổ chức thành công liên tiếp các sự kiện mang tầm toàn cầu về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh như Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hội nghị Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), Hội nghị Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA). Bình Dương đã khẳng định hướng phát triển TPTM Bình Dương là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới.

Với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, tỉnh đã tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Trong đó, khu công nghiệp khoa học công nghệ được xây dựng tại huyện Bàu Bàng được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao của Bình Dương. Chính từ định hướng rõ ràng và đúng đắn của chiến lược TPTM đã tạo bước đột phá phát triển vượt bậc kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế.

Ông Đỗ Công Anh, Phó cục Trưởng phụ trách Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông: “Bình Dương là một trong số những tỉnh đi đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Bình Dương xác định đến giai đoạn hiện tại cần phải tìm ra một mô hình phát triển mới, có được chiến lược phát triển mới và thiên nhiều về thu hút đầu tư khoa học công nghệ, công nghệ cao liên quan đến nền kinh tế tri thức là chính. Tỉnh đã phối hợp với các thành phố Eindhoven của Hà Lan để xây dựng được chiến lược, có được những đặc thù của địa phương và sau đó mọi giải pháp đều xoay quanh chiến lược này. Tôi thấy Bình Dương là địa phương có chiến lược, có bài toán rõ ràng nhất, bài toán kết hợp giữa 3 nhà, đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và các viện/ trường”.

PHƯƠNG LÊ