Điểm tựa của nạn nhân chất độc da cam
Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết và xây tặng nhà tình thương cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/ dioxin là nhiệm vụ quan trọng của Hội NNCĐDC /dioxin. Thông qua những tổ chức, cá nhân, những tấm lòng vàng, hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo cho họ… Từ đó, hội trở thành điểm tựa của NNCĐDC.
Nghị lực vươn lên
Chị Lê Thúy Hà, NNCĐDC ở phường Phú Lợi (TP.TDM) bây giờ không còn xa lạ với người dân trong vùng. Ngồi chiếc xe lăn đi khắp các nẻo đường để bán vé số, chị nhận được nhiều sự đồng cảm của mọi người, Chính vì lẽ đó, vé số của chị mỗi ngày bán được nhiều hơn.
Nhiều NNCĐDC vẫn hàng ngày đi làm, kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân. Trong ảnh: Chị Hà bên chiếc xe lăn đi bán vé số
Chị bị nhiễm CĐDC từ cha. Trong kháng chiến, cha chị là ông Lê Văn Ân đi bộ đội ở các chiến trường miền Bắc, Tây nguyên, sang Lào rồi về lại miền Nam. Tâm sự với chúng tôi, ông nói ông không nghĩ là sẽ nhiễm chất độc hóa học nhưng thực tế lại phủ phàng, bởi sau này con ông sinh ra lại bị nhiễm. Thế là từ đó ông thấu hiểu nỗi đau da cam. Ông kể như quặn thắt: “Năm 1977, vợ ông mang thai được 6,5 tháng thì phải sinh non. Đứa con đầu lòng ra đời chỉ nặng 1,2kg. Thời gian trôi đi, đứa con không thấy lớn mà ngày càng nhỏ dần, cân lại chỉ còn 750gr”. Thấy vậy, vợ chồng ông đưa con đi khám bác sĩ, mới biết đứa con mà vợ chồng ông hết lòng mong đợi bị nhiễm CĐDC, đôi chân bị teo nên sau này không thể đi lại được. Từ đó trở đi, chị Hà không đi lại được, nhưng vẫn có thể tự nuôi sống bản thân bằng nghề bán vé số. Chị cho biết: “Để có như ngày hôm nay, tôi đã phấn đấu, nỗ lực rất nhiều. Ngày trước, tôi mặc cảm lắm! Cứ khách đến nhà, tôi lại trốn vào một góc. Dần dần nhờ sự động viên của gia đình và các anh, chị ở phường tôi đã thay đổi cách nghĩ và cố gắng vươn lên làm chủ cuộc sống chứ không thể dựa mãi vào người khác được”.
Nói là làm, chị bắt đầu xin đi học dệt ở Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh. Có chút khéo tay lại chăm chỉ nên chị học nghề rất nhanh. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn nên chị đành nghỉ học và theo cha bán vé số. Theo lộ trình hàng ngày, cha thì để tủ vé số nhỏ bán gần Hội Người mù tỉnh, còn chị thì rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe lăn, đủ kiếm sống qua ngày.
Còn nhiều, rất nhiều hoàn cảnh tương tự chị Hà đã trở thành những điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Chia sẻ nỗi đau da cam
Chứng kiến những NNCĐDC, bác sĩ Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/ dioxin tỉnh cho biết: “Những nạn nhân da cam không chỉ gặp khó khăn về vật chất mà chính là nỗi đau về thể xác, tinh thần. Những con người què quặt, dị dạng, những đôi mắt ngây dại… là nỗi đau chung của chúng ta. Đã 52 năm sau ngày xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam, nhưng hậu quả nặng nề vẫn còn đó. CĐDC đã gây nên biết bao đau khổ đối với người dân Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng”.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội NNCĐDC/dioxin đã có nhiều hoạt động ý nghĩa đi vào lòng người. Hội đã thành lập được Quỹ NNCĐDC/dioxin tỉnh. Từ đầu năm đến nay, hội đã trích trên 190 triệu đồng để tặng quà tết cho NNCĐDC; chuyển 50 triệu đồng xây tặng nhà tình thương cho 1 nạn nhân ở Phú Giáo. Được biết dù hoạt động khó khăn nhưng một số nơi vẫn mở rộng mạng lưới hướng về nỗi đau da cam, cụ thể là ngày 9-8 tới đây sẽ tiếp tục ra mắt Hội NNCĐDC/dioxin phường Bình Hòa, TX.Thuận An.
Nạn nhân CĐDC đang chịu rất nhiều thiệt thòi. Họ đau cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Họ luôn mong muốn có điểm tựa của toàn xã hội để có cơ sở mà cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Bình Dương hiện có 5.214 NNCĐDC, trong đó có 1 gia đình có đến 7 đứa con bị nhiễm CĐDC, 9 gia đình có 4 con bị nhiễm, 14 gia đình có 3 con bị nhiễm và 1.195 gia đình có 2 con bị nhiễm. Tới thời điểm này, chỉ có 919 nạn nhân được hưởng chế độ chính sách, số còn lại đang tiếp tục làm thủ tục.
Nhân ngày “Vì NNCĐDC/dioxin Việt Nam” 10-8, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh sẽ trao tặng 92 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng cho các NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn ở 7 huyện, thị, thành phố.
THU THẢO