Điểm tập kết và phân phối nông sản an toàn ở Phú Giáo: Bước đầu phát huy hiệu quả
(BDO) Cuối năm 2016, Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo phối hợp cùng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã khai trương điểm tập kết và phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn (khu phố 1, thị trấn Phước Vĩnh). Việc thành lập điểm tập kết này nằm trong đề án khoa học - công nghệ của huyện Phú Giáo, do Phòng Kinh tế và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đồng chủ trì thực hiện.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết, mục đích của việc thành lập điểm tập kết và phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn là nhằm khuyến khích và định hướng lâu dài cho nền sản xuất nông nghiệp huyện nhà phát triển đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nguyện vọng của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại điểm tập kết và phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn (huyện Phú Giáo). Ảnh: HẢI SÂM
Tuy còn khá mới đối với người dân huyện Phú Giáo nhưng sau 3 tháng đi vào hoạt động, điểm tập kết và phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn đã tạo được niềm tin ở người tiêu dùng. Chị Hồ Thu Thủy, ở thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo cho biết, được sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn là mong muốn của mọi người nhằm bảo vệ sức khỏe cho người thân và gia đình. Do đó, khi được biết huyện khai trương điểm tập kết sản phẩm nông nghiệp an toàn chị rất phấn khởi. Mặc dù sản phẩm tại điểm tập kết chưa nhiều nhưng bước đầu đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân trên địa bàn. Giá cả các sản phẩm ở điểm tập kết này có nhỉnh hơn so với giá bán cùng sản phẩm ngoài chợ nhưng điều quan trọng là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Để hoạt động hiệu quả, hiện điểm tập kết và phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn ở huyện Phú Giáo đã được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị an toàn, sạch sẽ; cửa hàng rộng rãi, thông thoáng, có máy lạnh, tủ lưu mẫu sản phẩm kiểm nghiệm, một bộ máy test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm nhập, xuất. Theo ông Hải, quy trình nhập, xuất sản phẩm tại điểm tập kết được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, khoa học. Hàng ngày trạm đều cử cán bộ phụ trách thực hiện các quy trình ghi chép nhật ký, lưu mẫu và bảo lưu kết quả. Bất kỳ sản phẩm nào có dấu hiệu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều được cán bộ chuyên môn ghi lại, báo cáo lại với người trồng hoặc nơi nhập sản phẩm. Nếu sản phẩm đó nhập trong huyện, trạm sẽ trực tiếp xử lý đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có sản phẩm vi phạm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, dù nguồn nhập từ nhiều nơi nhưng trạm chưa phát hiện mẫu sản phẩm nào vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ghi nhận cho thấy, tuy giá bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn tại điểm tập kết này có cao hơn sản phẩm cùng loại ở chợ nhưng khách hàng đến mua vẫn ngày một đông. Từ khi khai trương đến nay, tại điểm tập kết đã tiêu thụ được hơn 2.500kg rau cải xanh, cải ngọt, cà chua, khổ qua, cam, quýt… Các sản phẩm an toàn này được lấy về từ Tổ hợp tác Hoàng Gia (khu phố 7, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), Công ty TNHH SXTM Nông sản Bình Dương Xanh, một số cơ sở trên địa bàn huyện Phú Giáo có chứng nhận VietGAP...
Ông Hải cho biết thêm, trong thời gian tới Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện sẽ phối hợp tham mưu cho UBND huyện xây dựng thêm nhiều vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn, cùng với đó chủ động lấy mẫu để kiểm tra, giám sát ngay tại vườn sản xuất để hạn chế việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trạm cũng sẽ phối hợp tiếp tục tuyên truyền, huấn luyện và vận động nông dân tham gia sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, tiến tới hình thành các nhóm liên kết sản xuất rau trong vùng quy hoạch.
HẢI SÂM