Điểm mới hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó sự cố môi trường

Thứ năm, ngày 07/12/2017

(BDO) Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố (UPSC), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 544/QĐ-UBND ngày 22-2-2011 về Kế hoạch tổng thể UPSC môi trường giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 3-6-2016 về phương án UPSC tràn đổ chất thải giai đoạn 2016-2020. Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Ngô Thành Mua, Trưởng phòng Quản lý chất thải Chi cục Bảo vệ môi trường.

- Xin ông cho biết ý nghĩa việc ban hành văn bản xây dựng phương án UPSC?

- Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp và thu hút nhiều loại hình ngành nghề sản xuất khác nhau, đặc biệt một số ngành nghề phát sinh nhiều chất thải và tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự cố về môi trường trong quá trình hoạt động, nhất là doanh nghiệp hoạt động với ngành nghề như xử lý chất thải nguy hại, xi mạ, dệt nhuộm, dự án có công trình xử lý nước thải có quy mô lớn… và tọa lạc trên những vùng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất và người dân. Do vậy, để chủ động trong công tác phòng ngừa, UPSC, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 544/QĐ-UBND ngày 22-2-2011 về Kế hoạch tổng thể UPSC môi trường giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 3-6-2016 về phương án UPSC tràn đổ chất thải giai đoạn 2016-2020. Nhằm giúp các tổ chức trên địa bàn tỉnh thuận lợi triển khai thực hiện theo quy định, Sở TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng phương án UPSC môi trường.

- Ông có thể cho biết thêm những điểm chính của văn bản hướng dẫn?

- Văn bản hướng dẫn gồm 2 phần, gồm phương án phòng ngừa và phương án ứng phó khi xảy ra sự cố. Về phòng ngừa, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch về nhân lực, trang thiết bị, kế hoạch đào tạo tập huấn định kỳ; đánh giá các đối tượng, phạm vi chịu ảnh hưởng khi xảy ra sự cố, từ đó xây dựng các kịch bản có nguy cơ gây ra sự cố và đề xuất các giải pháp, phương án khắc phục tương ứng với từng kịch bản.

Ví dụ, đối với công trình xử lý nước thải phải đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra như bể hồ chứa nước thải; hư, hỏng hệ thống đường ống thu gom, sụt lún, xói mòn dẫn đến công trình xử lý bị hư hại; các kịch bản nếu lượng nước thải trực tiếp ra môi trường là 5.000m3, 10.000m3; tính toán sự lan truyền ô nhiễm và phương án ngăn chặn… Về ứng phó, căn cứ các kịch bản, phương án phòng ngừa đã xây dựng, khi xảy ra sự cố chủ đầu tư phải chủ động triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn tối đa ảnh hưởng đến môi trường.

- Các tổ chức, cá nhân nào phải triển khai thực hiện?

- Đối tượng áp dụng là cơ sở xử lý chất thải nguy hại; các dự án có công trình xử lý nước thải từ 500m3/ngày đêm; chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kho chứa xăng dầu phải xây dựng phương án và gửi về Sở TN&MT tổ chức thẩm định, phê duyệt. Hiện Sở TN&MT đang triển khai cho các đơn vị, tổ chức thuộc đối tượng như quy định trên để tổ chức thực hiện.

- Thưa ông, chế tài xử phạt ra sao?

- Trong lĩnh vực môi trường, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ thì các hành vi vi phạm về phòng ngừa, UPSC sẽ bị xử lý với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng (từng hành vi vi phạm quy định cụ thể tại Điều 34 của nghị định). Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, đơn vị vi phạm còn bị đình chỉ sản xuất và chịu mọi chi phí đền bù toàn bộ thiệt hại do sự cố xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

P.V (thực hiện)