Điểm mới của nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính

Thứ hai, ngày 09/10/2017

(BDO)  Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC). Nghị định ra đời là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, cải cáchT THC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC.

 Để bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và định hướng chuyển trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, Chính phủ đã điều chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC và chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sang Văn phòng Chính phủ (Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11-11-2016 của Chính phủ).

Nghị định 92/2017/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP để bảo đảm thực hiện có hiệu quả những đổi mới trên như: Quy định việc công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC thông qua việc niêm yết hoặc sử dụng các hình thức điện tử phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật trên cơ sở quyết định công bố TTHC hoặc kết xuất, kết nối, tích hợp dữ liệu TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; bổ sung thêm một hình thức công khai bắt buộc là việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; bổ sung thêm quy định về công bố TTHC đối với trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành...

Điều 2 Nghị định số 92/2017/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14- 2-2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, trong đó tập trung vào việc bổ sung, sửa đổi một số quy định để đưa vào quản lý, vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Những nội dung mới này sẽ là cơ sở để thực hiện áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, tăng cường khả năng giám sát, trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, tạo môi trường giao tiếp thân thiện, thuận tiện giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Theo đó, nội dung Nghị định số 92/2017/ NĐ-CP quy định rõ về yêu cầu đối với phản ánh kiến nghị bằng thông điệp dữ liệu; quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị bằng thông điệp dữ liệu; quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.

Như vậy, việc ban hành Nghị định 92/2017/NĐ-CP đã kịp thời tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát, cải cách TTHC, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thống nhất, hiệu quả, toàn diện từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng được yêu cầu mới của Chính phủ; đồng thời, sửa đổi ngay một số quy định để bảo đảm phù hợp với các quy định mới tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và đáp ứng yêu cầu công tác công khai, minh bạch trong tình hình mới, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong giám sát việc thực hiện TTHC.

NGÔ HẢI PHAN