Điểm mới của một số luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2018
(BDO) - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017: Theo đó, nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định; doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ thục hành chính về thuế và chế độ kế toán đơn giản. Ngoài ra còn được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, công nghệ, mở rộng thị trường, thông tin tư vấn pháp lý…
- Luật Trợ giúp pháp lý 2017: Luật này bổ sung tiêu chuẩn và điều kiện để thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL). Luật mới cũng bổ sung thêm tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý là “không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật”. Ngoài ra, luật còn điều chỉnh về đối tượng được TGPL, trong đó “Người cao tuổi” và “Người khuyết tật” có khó khăn về tài chính mới được TGPL. Đồng thời bổ sung thêm các đối tượng được TGPL như: Người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo…
- Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015: Quy định rõ các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, ngoài các quyền cơ bản như quyền được bảo vệ tính mạng, tài sản, được bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở,… người bị tạm giữ, tạm giam còn được thực hiện các quyền quan trọng khác như: Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, TGPL… Đồng thời, chế độ tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng được quy định cụ thể, đặc biệt là chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong nhà tạm giữ, tạm giam…
- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017: Luật quy định rõ các điều kiện để các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh. Theo đó, bổ sung các điều kiện mới so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008 như: Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định…
- Luật Du lịch 2017: Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được đơn giản hóa so với quy định hiện hành. Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của khách du lịch, luật này cũng đồng thời bổ sung một số điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa…
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 dành một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, theo đó: Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân; tòa án có thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân là tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm, hoặc nơi pháp nhân có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh. Đồng thời thay đổi quy định “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi”. Luật này cũng nêu cụ thể khái niệm về đầu thú và tự thú trong tội phạm hình sự.
- Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015: So với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004, luật đã bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm như: Làm sai lệch hồ sơ vụ án; làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự; bức cung, dùng nhục hình; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở quyền được bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; quyền khiếu nại, tố cáo của người khác. Luật cũng mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an; Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố cho cơ quan ANĐT trong quân đội.
- Luật Quản lý ngoại thương 2017: Có nhiều quy định nổi bật về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương, giải quyết tranh chấp, như: Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ lần đầu tiên được đưa vào luật. Luật quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016: So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có những điểm mới nổi bật là: Công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; bổ sung quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; các quy định mới liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo. Luật cũng cụ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam…
THỦY TRINH (thực hiện)