Điểm đến xanh, năng động
(BDO) Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình Dương nằm trong tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Theo đó, dẫn đầu là Bắc Ninh, tiếp đó là Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên. 10 địa phương này chiếm 80,7% số dự án mới và 77,3% số vốn FDI của cả nước trong 8 tháng.
Tại Bình Dương, 8 tháng năm 2024 đã thu hút được 1 tỷ097 triệu đô la Mỹ vốn FDI. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.345 dự án FDI đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 41 tỷ đôla Mỹ, chiếm hơn 8,5% tổng vốn FDI của cả nước.
Ngày 3-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đãký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đôthị mới. Bình Dương tiếp tục hoàn thành gần 200km đường vành đai, cao tốc kết nối vùng. Song song đó, tỉnh sẽ hình thành vành đai công nghiệp với quy môtrên 20.000 ha. Đây sẽ là những dư địa lớn để Bình Dương thu hút nguồn lực đầu tư theo đúng định hướng, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới…
Lãnh đạo Bình Dương khẳng định trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hướng tới các mục tiêu chung về môi trường toàn cầu. Trong đó, địa phương ưu tiên tăng trưởng xanh gắn với sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm và hiệu quả, giảm ônhiễm và thúc đẩy các công nghệ và thực hành thân thiện với môi trường. Mục tiêu trọng tâm của tăng trưởng xanh là hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn môi trường, tạo ra sự cân bằng có lợi cho cả nền kinh tế.
TIỂU MY