Điểm đến đầu tư hấp dẫn, công nghiệp phát triển bền vững

Thứ sáu, ngày 26/04/2024

(BDO) Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Bình Dương hôm nay đã và đang thực sự đổi thay về mọi mặt, khẳng định tầm vóc, diện mạo, vị thế mới trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là nền tảng, là sức mạnh để Bình Dương tiến nhanh, tiến vững chắc trên chặng đường vươn tới hiện đại, thông minh.

 Sản xuất tại Công ty Bonfiglioli Việt Nam, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3

 Thương hiệu thu hút vốn FDI

Tập đoàn Sembcorp Development của Singapore là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn, có mặt tại Bình Dương suốt 27 năm qua. Năm 1996, Tập đoàn Sembcorp và Tổng Công ty Becamex IDC đã thành lập Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên tại Bình Dương. Đến nay, mô hình KCN VSIP đang hoạt động rất thành công, không những đạt được hiệu quả kinh tế lớn, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, cộng hưởng tích cực. Từ đó, tạo động lực để kích hoạt không gian phát triển đồng bộ về kinh tế, xã hội và hạ tầng, không chỉ cho Bình Dương mà cho nhiều địa phương trong cả nước. Theo ông Lee Ark Boon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn, Sembcorb sẽ tiếp tục đưa ra những kế hoạch phát triển tại Bình Dương, đồng thời cũng không ngừng đổi mới sáng tạo, bảo đảm các tiêu chuẩn bền vững.

Đến nay, dòng vốn FDI đã trở thành động lực giúp Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại, năng động. Hầu hết nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng về vốn và công nghệ, như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... đều đã có mặt tại Bình Dương. Khu vực có vốn FDI đang đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động tại địa phương.

Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) với 4.280 dự án từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40,6 tỷ đô la Mỹ. Ngoài môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hạ tầng các KCN và hạ tầng giao thông kết nối của Bình Dương đang ngày càng phát huy lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bà Bonnie Tu, Chủ tịch Tập đoàn Giant (Đài Loan), cho biết Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều kiện, nền tảng sẵn có của tỉnh sẽ giúp các nhà đầu tư tiếp tục song hành phát triển. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tin tưởng để mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Ngoài nhà máy có vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ tại KCN VSIP II-A, tập đoàn quyết định đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại VSIP III với quy mô khoảng 120 triệu đô la Mỹ”, bà Bonnie Tu cho biết thêm.

Kỳ vọng từ công nghiệp xanh

Trong hơn 27 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và công nghiệp hóa. Với biệt danh “thủ phủ công nghiệp”, Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển nhất cả nước. Cũng từ Bình Dương, mô hình KCN VSIP đã lan tỏa rộng ra cả ba miền Bắc - Trung - Nam. VSIP đã trở thành một kiểu mẫu về phát triển KCN tập trung cả ở trong và ngoài nước. Tính hiệu quả và sức lan tỏa rộng của thương hiệu VSIP còn là một minh chứng sinh động cho một Bình Dương năng động, đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững.

 Hạ tầng công nghiệp của Bình Dương đầu tư bài bản, hiện đại, thu hút mạnh các nhà đầu tư đặt nhà máy, phát triển sản xuất, kinh doanh

Mô hình “3 trong 1” công nghiệp - đô thị - dịch vụ mà tỉnh đang phát triển không chỉ là các dự án đầu tư về công nghiệp hay đô thị, mô hình này biến các dự án trở thành các động lực chiến lược, nhằm nâng cấp hệ thống quy hoạch đô thị và công nghiệp hiện hữu, tạo ra một môi trường sống chạm tới mọi tầng lớp xã hội. Trong đó nhà đầu tư tìm được người lao động, người lao động tìm được việc làm, người dân địa phương được ở lại trên mảnh đất quê hương, được chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang hoạt động thương mại và dịch vụ. Tất cả đều bình đẳng thụ hưởng thành quả phát triển chung.

Bình Dương đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường. Nổi bật nhất là từ dự án “xanh” của nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trong lĩnh vực đồ chơi Lego, đang kéo theo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu và cam kết đầu tư những dự án xanh, thân thiện với môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào tỉnh trong thời gian tới.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang nỗ lực tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”.

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đã mang lại những dấu ấn nổi bật trong kỳ tích phát triển của Bình Dương. Nhìn lại những kết quả đạt được hôm nay, Bình Dương lạc quan về vị thế trong tương lai. Bình Dương đang vươn tới những triển vọng, tầm nhìn, chiến lược rộng hơn, xa hơn và động lực mạnh mẽ hơn để hiện thực thành công trong giai đoạn tới. Để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn, hài hòa, bền vững…

 Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các KCN được quy hoạch. Tỉnh đang dành 20.000 ha phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Hiện Bình Dương đang nỗ lực hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.

 NGỌC THANH