Dịch sởi gia tăng, cần làm gì để phòng bệnh khi trẻ chưa tới tuổi tiêm vaccine?
Chiều 22-8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh trong tuần qua vẫn đang gia tăng so với những tuần trước đó.
Theo thống kê, trong tuần thứ 33 của năm 2024 (từ ngày 12/8 - 18/8), ) tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 100 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện có ghi nhận ca sởi trong tuần qua là Bình Chánh (9 ca), Bình Tân (6 ca), Quận 8 và thành phố Thủ Đức. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến hết ngày 21/8/2024 là 353 ca, trong đó có 188 ca xác định phòng thí nghiệm và 165 ca lâm sàng.
Phụ huynh cần cho trẻ tiêm đúng và đủ mũi vaccine sởi để phòng bệnh.
“So sánh với tuần 24, số ca sởi ghi nhận trong tuần 33 tăng gấp 4,3 lần. Bên cạnh đó, bệnh có sự dịch chuyển từ trẻ thuộc độ tuổi tiêm chủng (9 tháng đến dưới 5 tuổi) sang trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) và trẻ trên 5 tuổi”, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế quyết liệt hơn nữa trong triển khai 2 nhóm hoạt động trọng tâm.
Thứ nhất, kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng gồm các hoạt động như giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ dịch sởi; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động tiêm chủng, rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng vaccine sởi, đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vaccine an toàn, hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%.
Theo đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia về Y tế công cộng của Thành phố.
Thứ hai, bảo vệ các trẻ em thuộc nhóm nguy cơ mắc sởi nặng, gồm các hoạt động như rà soát và tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện cho các trẻ này; tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ; tăng cường công tác phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tiêm chủng VNVC cho biết, việc tiêm vaccine cần tuân thủ nguyên tắc tiêm đủ liều, đúng lịch, mỗi người cần tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi, bởi tiêm một mũi chỉ đạt hiệu quả phòng ngừa 80 - 85% và lên tới 98% khi tiêm đủ 2 mũi.
Đối với nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đủ tuổi tiêm phòng vaccine, để phòng bệnh sởi cho trẻ, phụ huynh cần đặc biêt chú ý không để trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc sởi, bởi trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị lây nhiễm do hệ miễn dịch còn non yếu. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là một yếu tố thiết yếu.
Sữa mẹ được khuyến nghị là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất cho trẻ, bởi nó cung cấp các kháng thể tự nhiên giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài dinh dưỡng, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và duy trì môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Đây là cách hiệu quả để hạn chế các nguồn lây nhiễm trong môi trường sống hàng ngày của trẻ.
Về việc tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng, theo Cục Y tế dự phòng và thông tin từ nhà sản xuất, có thể tiêm vaccine sởi đơn MVVac (Việt Nam) và vaccine phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR-II (Mỹ) sớm hơn cho trẻ dưới 9 tháng sống tại vùng dịch trong một số trường hợp cần thiết và hướng dẫn cụ thể để phòng bệnh kịp thời. Tuy nhiên, đến 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế mỗi quốc gia.
Bác sĩ Chính lưu ý thêm, vaccine cần vài tuần để tạo ra kháng thể, nếu tiêm chủng chậm lịch, kháng thể chưa tạo đủ để bảo vệ, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, phụ huynh cần tránh tâm lý chủ quan chỉ khi có dịch bệnh mới đưa con em đi tiêm vaccine.
Theo TTXVN