Dịch đau mắt đỏ đang hạ nhiệt
(BDO) Qua 7 ngày thực hiện đồng bộ các giải pháp, số ca mắc đau mắt đỏ trong toàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần và sẽ ổn định trong tuần tới. Bình Dương không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ. Ngành y tế tỉnh sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, trong trường hợp phát hiện cửa hàng, nhà thuốc bán không đúng giá niêm yết sẽ lập biên bản xử lý theo đúng quy định.
Khám mắt cho trẻ tại một phòng khám mắt trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một
Số ca mắc đang giảm dần
Những ngày qua, dịch bệnh đau mắt đỏ gia tăng đột biến ca mắc nên nhiều người dân đã đi mua thuốc khiến cho các loại thuốc nhỏ mắt (Tobrex, Tobradex, Telodrop...) khan hiếm. Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định Bình Dương không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ. Sở Y tế cũng có văn bản yêu cầu các cửa hàng thuốc phải niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, không cao hơn giá kê khai đã công bố. Đặc biệt, các nhà thuốc, quầy thuốc không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh đau mắt đỏ và đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi. Ngành y tế sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, trong trường hợp phát hiện cửa hàng, nhà thuốc bán không đúng giá niêm yết sẽ lập biên bản, tiến hành xử lý theo đúng quy định. Cũng theo ngành y tế tỉnh, hiện số ca mắc bệnh đau mắt đỏ đang giảm dần và sẽ ổn định trong tuần tới, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, những ngày gần đây dịch bệnh đau mắt đỏ giảm khoảng 50% so với thời điểm đỉnh dịch của 2 tuần trước đó. Cũng theo ngành y tế tỉnh, tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt vào thời điểm này, số bệnh nhân mắc mới đang giảm dần, số bệnh nhân tái khám bắt đầu có xu hướng nhiều hơn số bệnh nhân mắc mới.
Tại TP.Thuận An, những ngày trước đó toàn thành phố ghi nhận khoảng 1.200 ca mắc/ngày nhưng nay con số này đã giảm, còn khoảng 700 ca mắc/ngày. Hay tại TP.Dĩ An, vào thời điểm đỉnh dịch đầu tháng 9 ghi nhận 1.800 ca mắc/ngày nhưng hiện tại chỉ ghi nhận 800 ca/ngày. Tương tự tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, số bệnh nhân là học sinh bị đau mắt đỏ cũng đang giảm dần. Huyện Dầu Tiếng giảm đến 50% số ca mắc so với thời điểm đỉnh dịch, hiện mỗi ngày chỉ ghi nhận dưới 500 ca mắc mới.
Ghi nhận tại một phòng khám mắt trên đường Hoàng Văn Thụ, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một vào tối 16-9, cháu Đ.T.V. (sinh năm 2015) ở phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên được người nhà đưa tới trong tình trạng mắt trái sưng, đỏ, cộm, chảy nước mắt, đổ ghèn rỉ mắt. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán mắt trái của cháu bị đau mắt đỏ cấp. Cùng với cháu V. đi khám bệnh đau mắt đỏ, tại thời điểm này có 3 trẻ em khác cũng bị bệnh đau mắt đỏ nhưng theo người nhà, các cháu đã bị bệnh đau mắt đỏ, nay quay lại tái khám.
Các địa phương chủ động phòng, chống dịch
Thực hiện công tác phòng, chống dịch đau mắt đỏ, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tiến hành phối hợp tổ chức giám sát ca bệnh ở các xã, phường, thị trấn và những trường học có số lượng học sinh mắc nhiều. Đặc biệt, 9 trung tâm y tế phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, các hộ gia đình, nơi tập trung đông người và cộng đồng, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Tại TP.Thuận An, cán bộ y tế ở các xã, phường liên tục truyền thông các biện pháp phòng, chống, cách xử lý khi mắc bệnh đau mắt đỏ cho người dân trên địa bàn. Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Trung tâm tham mưu UBND thành phố, xã, phường tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, trường học. Trung tâm nâng cao vai trò của cộng tác viên dân số - y tế - trẻ em trong công tác thông tin, báo cáo, hỗ trợ giám sát, hướng dẫn xử lý, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Các trạm y tế phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc phát hiện, điều tra ca bệnh, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các lớp học bằng hóa chất Cloramin B hoặc chất tẩy rửa thông thường; thực hiện điều trị, chuyển tuyến các trường hợp đau mắt đỏ theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm cũng chuẩn bị, sẵn sàng phương tiện, hóa chất, máy phun hóa chất để phục vụ kịp thời việc xử lý môi trường khi có dịch xảy ra”.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện còn khoảng 100 ca đau mắt đỏ. Để chủ động phòng chống, Trung tâm Y tế huyện giám sát các trường học, các xã, thị trấn có nhiều ca mắc để có giải pháp kịp thời khống chế dịch, không để lan rộng. Trung tâm cũng phối hợp với các trường tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh, từ đó có biện pháp phòng, chống hiệu quả”.
“Người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt, tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vì không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời”. (Bác sĩ HUỲNH MINH CHÍN, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
HOÀNG LINH