Dịch COVID-19 sáng 8/3: Đã có hơn 6 triệu người trên thế giới tử vong
(BDO)
Người dân xếp hàng chờ bơm đầy bình ôxy để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 8/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 447.677.256 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.026.276 ca tử vong.
Số bệnh nhân đã bình phục là 381.371.516 người, trong khi vẫn còn 70.412 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.964.740 ca mắc và 985.515 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 42.970.454 ca.
Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, với 652.418 ca.
Trong 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất, 7 quốc gia còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp (23.071.822 ca), Anh (19.119.181 ca), Nga (17.014.818 ca), tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 15.951.350 ca và 14.388.231 ca, Italy ghi nhận 13.048.774 ca và Tây Ban Nha có 11.136.425 ca.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 160,6 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 121,4 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,3 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ trên 54,7 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,5 triệu ca và châu Đại Dương trên 3,8 triệu ca nhiễm.
Chính phủ Indonesia ngày 7/3 đã mở dịch vụ cấp thị thực đặc biệt khi nhập cảnh đối với du khách quốc tế từ 23 quốc gia nhằm khôi phục ngành du lịch của nước này.
Theo Tổng cục Di trú Indonesia, danh sách những nước nói trên bao gồm: Australia, Mỹ, Hà Lan, Brunei, Philippines, Anh, Italy, Nhật Bản, Đức, Campuchia, Canada, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Pháp, Qatar, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Người phát ngôn của cơ quan trên, ông Arya Pradhana Anggakara, cho biết: “Thị thực du lịch đặc biệt được cấp tại Sân bay I Gusti Ngurah Rai ở đảo Bali, nhưng du khách nước ngoài có thể rời khỏi lãnh thổ Indonesia thông qua các văn phòng nhập cư khác."
Theo quy định mới, du khách quốc tế chỉ cần mang theo hộ chiếu còn hạn tối thiểu 6 tháng, vé khứ hồi hoặc vé tiếp tục đi đến các quốc gia khác trong hành trình, giấy xác nhận đặt phòng khách sạn ở Indonesia, bảo hiểm y tế và giấy chứng nhận kết quả âm tính với COVID-19.
Với thị thực đặc biệt này, du khách nước ngoài được phép ở lại Indonesia tối đa 30 ngày và có thể được gia hạn một lần.
Trong khi đó, Hội đồng kinh doanh du lịch Nam Phi (TBCSA) đang kêu gọi chính phủ nước này bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR COVID-19 đối với những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh nước này, nhằm kích thích ngành “công nghiệp không khói."
Giám đốc điều hành của TBCSA Tshifhiwa Tshivhengwa nhận định du khách đang có xu hướng lựa chọn những điểm đến dễ dàng trong đi lại.
Theo ông, việc bãi bỏ yêu cầu về xét nghiệm PCR đối với những khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp du khách thoải mái trong việc đặt vé máy bay và tận hưởng kỳ nghỉ tại đất nước cực Nam châu Phi này.
Theo ông Tshivhengwa, một số quốc gia như Botswana, Kenya, Vương quốc Anh, Scotland và nhiều nơi khác đã áp dụng bãi bỏ quy định này, và nếu Nam Phi không làm theo như vậy thì sẽ bị chậm chân.
Hội đồng quốc gia phòng, chống COVID-19 của Nam Phi dự kiến sẽ họp trong tuần này để xem xét lại các quy định liên quan việc đi lại nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Theo báo cáo mới nhất của Học viện Nhi khoa và Hiệp hội bệnh viện Nhi đồng Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em thống kê theo tuần ở nước này đã giảm xuống dưới mức 100.000 ca lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021.
Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 3/3 vừa qua, Mỹ ghi nhận gần 69.000 ca mắc COVID-19 ở trẻ em trong cả nước.
Đây là lần đầu tiên số bệnh nhi COVID-19 hằng tuần giảm xuống dưới con số 100.000 kể từ tháng Tám năm ngoái. Đây cũng là lần giảm thứ 6 liên tiếp trong số bệnh nhi COVID-19, từ mức đỉnh đại dịch là 1.150.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 20/1 vừa qua.
Trước đó, các trường hợp trẻ em mắc COVID-19 tại Mỹ đã gia tăng đột biến đầu năm 2022, do sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 4,8 triệu trường hợp trẻ em tại Mỹ mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhi kể từ đầu dịch lên hơn 12,7 triệu trường hợp./.
Theo TTXVN