Dịch COVID-19 ngày 30/3: Thế giới ghi nhận hơn 740.000 ca nhiễm virus
(BDO)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên máy bay trực thăng tại Strasbourg , Pháp, ngày 30/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 22h30 phút ngày 30/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 741.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 35.337 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 156.602 người. Hiện thế giới vẫn còn tới 28.471 ca nguy kịch.
Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với 144.410 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 2.600 ca tử vong. Đứng thứ hai là Italy với 97.689 ca nhiễm virus và 10.779 ca tử vong. Ngày 30/3, Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc, trở thành nước đứng thứ ba trong danh sách các nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, với 85.195 ca nhiễm và 7.340 ca tử vong.
Trung Quốc tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong giảm trong ngày 30/3. Với 31 ca nhiễm mới, trong đó 30 ca nhập cảnh và chỉ có 1 ca lây nhiễm trong nước là ở tỉnh Cam Túc. 4 ca tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc.
Châu Âu là khu vực có số ca tử vong do mắc COVID-19 cao nhất trên toàn thế giới với hơn 25.000 ca. Ngoài Italy, Tây Ban Nha, Đức hiện có 63.079 ca nhiễm và 545 ca tử vong, Pháp có số ca nhiễm là 40.174 và tử vong là 2.606 ca. Anh có 19.522 ca nhiễm và số ca tử vong là 1.228. Thụy Sĩ có 15.526 ca nhiễm và 333 ca tử vong. Bỉ có 11.899 ca nhiễm và 513 ca tử vong. Số ca nhiễm và tử vong ở Hà Lan lần lượt là 11.750 và 864, Áo là 9.200 và 108, Bồ Đào Nha là 6.408 và 140. Na Uy có 4.393 ca nhiễm và 31 ca tử vong.
Trong hành động ý nghĩa thể hiện đoàn kết quốc tế, Liên hợp quốc đã kêu gọi gói hỗ trợ trị giá 2.500 tỷ USD để giúp các quốc gia đang phát triển (trừ Trung Quốc), chiếm tới 2/3 dân số thế giới, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có do tác động từ đại dịch COVID-19.
Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi nhận định: "Thiệt hại kinh tế từ cú sốc hiện tại đang diễn ra và ngày càng khó dự đoán, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển trước khi có thể trở nên tốt hơn."
Theo báo cáo của UNCTAD, trong 2 tháng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lan rộng ra khỏi Trung Quốc, các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng rất lớn về dòng vốn, chênh lệch trái phiếu gia tăng, giảm giá tiền tệ và mất thu nhập xuất khẩu, kể cả từ việc giá hàng hóa và doanh thu du lịch giảm.
Những tác động của cuộc khủng hoảng này đối với các hoạt động kinh tế thậm chí còn nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và UNCTAD không lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng được chứng kiến ở nhiều nước đang phát triển như những năm 2009 và 2010./.
Theo TTXVN