Dịch COVID-19: Ca mắc đầu tiên trong cộng đồng người Việt tại Lào
(BDO)
Đường phố thủ đô Vientiane vắng người sau lệnh phong tỏa của Chính phủ bắt đầu từ ngày 22/4. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thành hội người Việt Nam thủ đô Vientiane ngày 26/4 xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng người Việt tại thủ đô Vientiane là một bệnh nhân có mẹ là người Việt Nam.
Theo Thành hội người Việt Nam thủ đô Vientiane, trong các ngày từ 15-18/4, bệnh nhân này từng đến một quán karaoke ở phố Naxay, nơi đã ghi nhận ca bệnh số 59 tại Lào.
Phố Naxay là khu tập trung rất đông người Việt và được gọi là phố Việt ở Vientiane.
Kể từ khi Lào thông báo có ca bệnh từng đến quán karaoke trên, bệnh nhân đã tự cách ly tại nhà cho đến khi được xác định cũng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trước đó, bệnh nhân này có tiếp xúc với mẹ, nhân viên tại một quán phở Việt ở phố Naxay và bà này cũng đã tiếp xúc với nhiều khách hàng người Việt.
Hiện, Lào đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2, trong đó thủ đô Vientiane liên tục ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng hằng ngày cao nhất cả nước.
Bộ Y tế Lào và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại trong làn sóng dịch thứ 2, riêng thủ đô Vientiane sẽ có thể ghi nhận khoảng 2.000 ca nhiễm COVID-19.
Cụ thể, Bộ Y tế Lào cho biết sau 6 ngày kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, thủ đô Vientiane đã thêm 242 ca lây nhiễm mới, chiếm 92% số ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận trên khắp cả nước Lào trong làn sóng dịch thứ 2.
Tất cả các ca nhiễm đều liên quan đến các ổ dịch ở thủ đô Vientiane, nơi bệnh nhân số 59 và nhóm bạn đã lui tới.
Trước diễn biến của làn sóng dịch COVID-19 thứ 2, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã ra thông báo đề nghị cộng đồng người Việt tại Lào thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cả hai nước.
Nếu có nguyện vọng xuất cảnh về nước, bà con cần đăng ký với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào để các cơ quan chức năng 2 nước tạo điều kiện, không tự ý xuất/nhập cảnh trái phép làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, tại Campuchia, WHO cũng kêu gọi các chủ sở hữu lao động ngành may mặc nâng cao các biện pháp phòng chống dịch tại các nhà máy, bảo vệ các công nhân.
Đại diện WHO ở Campuchia Li Ailan cho rằng các điểm bùng phát dịch hiện nay tại các nhà máy và các khu chợ ở Campuchia nên được coi là lời cảnh báo về tầm quan trọng của các biện pháp phòng dịch ngay từ khi chưa bùng phát, để ngăn chặn virus lây lan.
Quan chức WHO kêu gọi các chủ nhà máy tăng cường các biện pháp như đo thân nhiệt và tái tổ chức để đảm bảo giãn cách xã hội tại các công xưởng.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Campuchia ghi nhận tổng cộng 9.975 ca mắc COVID-19 và 74 ca tử vong, trong đó có 10 ca ghi nhận trong ngày 24/4, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 25/4 ra chỉ thị siết chặt các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngày 26/4, Thái Lan bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh mới đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Theo đó, người dân tại thủ đô Bangkok và 46 tỉnh trên cả nước phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tới 20.000 baht (640 USD).
Chính quyền Bangkok cũng đã yêu cầu các địa điểm như rạp chiếu phim, công viên, phòng tập thể hình, bể bơi, địa điểm làm đẹp và các nhà trẻ tạm dừng hoạt động.
Một tuần trước đó, nhà chức trách đã yêu cầu đóng của các quán bar và câu lạc bộ đêm, cấm các nhà hàng bán đồ uống có cồn.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan đang tăng mạnh. Tính đến ngày 26/4, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng 57.500 ca mắc, tăng gần gấp đôi so với mức 29.000 ca ghi nhận hồi đầu tháng Tư này.
Riêng ngày 26/4, Thái Lan thông báo thêm 2.048 ca mắc mới sau khi ghi nhận số ca tử vong mới lên mức cao chưa từng thấy (11 ca) một ngày trước đó./.
Theo TTXVN