Dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng
Chăm sóc bệnh nhi bị tay chân miệng. Dịch bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng tại tỉnh Gia Lai và Trà Vinh đòi hỏi phải có các biện pháp đồng bộ để phòng chống hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 500 trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại 96 xã, phường trên địa bàn tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố. Riêng địa bàn thành phố Pleiku có số trẻ mắc bệnh cao nhất với 149 ca.
Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh tay chân miệng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Bình quân mỗi ngày tại Khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh) tiếp nhận từ 10-13 ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng; hiện có gần 30 ca đang điều trị nội trú. Số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đều trên 36 tháng tuổi và khoảng 80% số ca mắc bệnh tại nhà, chỉ có 20% là ở các nhà trẻ và lớp mẫu giáo.
Đây là bệnh truyền nhiễm theo đường tiêu hóa, gặp phải thời tiết thay đổi thất thường và thiếu vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cho trẻ em, nên dễ phát sinh bệnh tay chân miệng, nhất là những hộ gia đình nghèo, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện chăm sóc tốt và ngay cả ở các lớp học mẫu giáo-mầm non.
Các mẫu xét nghiệm tại Khoa bệnh nhiệt đới cho thấy, các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đều do chủng loại virus EV 71 gây ra với các triệu chứng mọc mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng và gây sốt.
Theo bác sỹ Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, để phòng bệnh tay chân miệng có kết quả, cha mẹ có cháu nhỏ bị bệnh tay chân miệng nên chăm sóc kỹ về khâu vệ sinh, như rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng, không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng, cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh...
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 452 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có hai bệnh nhân tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đã tăng gấp sáu lần, trong khi đó công tác phòng, chống dịch vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai, nguyên nhân sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tháng qua là do các ổ dịch cũ không được xử lý triệt để, làm lây lan ra nhiều xã.
Trong công tác phòng chống sốt xuất huyết phải đồng thời tiến hành hai hoạt động là vệ sinh môi trường trước, sau đó phun hóa chất diệt muỗi. Vì hóa chất diệt muỗi sử dụng dưới dạng phun ULV, không tồn lưu nên sau vài ngày lăng quăng có thể nở thành muỗi trưởng thành, tiếp tục đốt người và truyền bệnh sốt xuất huyết.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo nhân dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng vì thời điểm này Gia Lai đang bước vào những tháng cuối của mùa mưa, các ký sinh gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản nhanh, nguy cơ mắc bệnh cao. Do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, xử lý các dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng, tổ chức diệt muỗi, khi đi ngủ phải nằm màn…
Những người có biểu hiện bệnh hoặc nghi sốt xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý điều trị ở nhà.
Tại Trà Vinh, hơn một tháng nay trời mưa liên tục với lượng mưa khá lớn, làm nhiều khu vực bị nước ứ đọng tạo điều kiện cho muỗi vằn (tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết) có điều kiện sinh sôi nẩy nở, khiến dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng.
Chỉ tính từ đầu tháng 9-2012 đến ngày 6-10-2012 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có hơn 160 ca bị nhiễm bệnh phải nhập viện, nâng tổng số ca bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên gần 700 ca, tăng 234 ca so cùng thời điểm này năm ngoái; trong đó, hơn 600 ca có dấu hiệu cảnh báo, riêng số còn lại bị nhiễm nặng.
Điều đáng mừng là nhờ nhập viện kịp thời, các cơ sở y tế thực hiện điều trị đúng phác đồ nên không có trường hợp nào tử vong.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2012 là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhằm chủ động khống chế, Trung tâm Y tế Dự phòng Trà Vinh đang phối hợp với các ngành, các cấp liên quan, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, coi đây là biện pháp đặc biệt quan trọng, nhân tố quyết định hàng đầu để cung cấp thông tin chính xác cho mọi người hiểu rõ tình hình và nguy cơ, hiểm họa dịch bệnh, từ đó tham gia phòng chống dịch một cách tự nguyện và đạt hiệu quả cao như tiến hành phát quang bụi rậm, vệ sinh khu dân cư, thả cá ở các cống rãnh để diệt lăng quăng, tẩm màn, phun thuốc diệt muỗi…
Tăng cường cán bộ chuyên trách ở tuyến cơ sở, thường xuyên giám sát, bao gồm: giám sát bệnh nhân, giám sát huyết thanh và virus, giám sát véctơ (muỗi trưởng thành và lăng quăng), từ đó phát hiện kịp thời các ổ dịch ngay khi còn ở phạm vi nhỏ trên địa bàn ấp, khóm và tiến hành xử lý một cách triệt để.
Theo VOV