Dịch bệnh tay - chân - miệng diễn biến còn phức tạp
Trước tình hình dịch tay - chân - miệng (TCM) diễn biến phức tạp trong cả nước, từ đầu năm đến nay đã lên đến 77.895 ca, tại 63 địa phương, có 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh, thành. Tuần gần đây có 2.900 ca mắc, tăng 400 ca so với tuần trước đó. Số ca tăng chủ yếu tại các địa bàn mới.
Theo điều tra của Viện Pasteur TP.HCM, với 100 trẻ mắc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre thì có gần 77% trẻ ở nhà không đi học; 19,66% đi nhà trẻ công lập; 1,71% đi nhà trẻ tư nhân; 0,85% nhóm trẻ gia đình; 0,85% học phổ thông cơ sở.
Bệnh TCM là bệnh do vi rút gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn. Vi rút thường gây sốt, đau họng và mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và hồi phục trong vòng 7 - 10 ngày. Bệnh do vi rút đường ruột gây ra (EV). Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tại Việt Nam, tình hình dịch tễ học bệnh TCM diễn biến phức tạp, EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh TCM.
Vi rút gây bệnh TCM có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vi rút tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân bệnh nhân hoặc người lành mang vi rút. Vi rút thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm vi rút thường dễ truyền bệnh cho người khác trong tuần đầu mắc bệnh. Vi rút gây bệnh TCM có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể làm lây truyền bệnh cho người khác.
Hàng năm, đỉnh điểm TCM là từ tháng đến 9 tháng 11, nhưng hiện nay dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức độ cao, nên có nguy cơ sẽ tăng cao trong thời gian tới sẽ gây khó khăn trong việc điều trị. Tại BVĐK tỉnh, những ngày qua khoa nhi luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi TCM. Bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, trong tuần gần đây số ca mắc TCM lên tới 50 ca điều trị nội trú, đa số trẻ mắc dưới 3 tuổi, tăng hơn so với tuần trước đó. Mặc dù hiện nay bệnh viện đã có đủ thuốc để điều trị bệnh TCM nhưng số ca mắc ngày càng tăng. Do số lượng bệnh ngày càng gia tăng gây tình trạng quá tải về cơ sở vật chất, về vật tư trang thiết bị phục vụ người bệnh, nhiều khi một giường phải nằm tới 2 - 3 trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian đầu tình hình thuốc Immunoglobulin 2,5g chưa đủ đáp ứng điều trị trong bệnh TCM, nhưng đến nay thì thuốc đã bảo đảm đáp ứng nhu cầu bệnh. Trong thời gian tới, BVĐK tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo đảm cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ tốt người bệnh; bố trí sắp xếp hợp lý thu dung điều trị dịch bệnh TCM nhất là trong đợt cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11.
Hiện tại chi phí sử dụng thuốc gammaglobuline cần dùng cho trẻ mắc TCM rất cao. Gammaglobuline là loại thuốc rất đắt tiền, cần dùng cho trẻ mắc TCM nặng từ độ 2B đến độ 4. Bình quân chi phí tiền thuốc này từ 15 đến 20 triệu đồng/đợt điều trị một trẻ, nếu nặng sẽ lên đến gần 45 triệu đồng.
Bác sĩ Diễm Trang cho hay, hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau: rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc trẻ, trước khi cho trẻ ăn cần đặc biệt chú trọng: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tả, làm vệ sinh cho trẻ; rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5% (có thể mua tại nhà thuốc tây); đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho; cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày).
T.PHƯƠNG