Dịch bệnh qua đi, tình người còn mãi

Thứ sáu, ngày 19/11/2021

(BDO) Những ngày căng thẳng, lo âu vì dịch bệnh rồi cũng lùi dần để nhường chỗ cho nhịp sống “bình thường mới” đang lan tỏa khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh Covid-19 đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người khi cuộc sống bị đảo lộn, nhất là đối với những người khó khăn. Tuy nhiên, có một điều không hề thay đổi mà còn được nhân lên, thắp sáng và đọng lại đó là “tình người, nghĩa đồng bào” trong lúc gian khó.


Chi hội “Bếp yêu thương” thuộc Hội Chữ thập đỏ TX.Tân Uyên trao tặng nhu yếu phẩm cho lực lượng trực chốt phòng, chống dịch bệnh

Những trái tim hào hiệp

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhất là những ngày thực hiện “khóa chặt, đông cứng” là những ngày Bình Dương căng mình kiên cường phòng, chống dịch bệnh. Chính những tháng ngày khắc nghiệt ấy đã có rất nhiều nghĩa cử, việc làm mang nhiều ý nghĩa và đầy tính nhân văn của người Bình Dương xuất hiện.

Về xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng hỏi đến bà Nguyễn Thị Tứ ở ấp Ông Thanh thì ai cũng biết, bởi bà được nhiều người biết đến là người phụ nữ nhiệt tình, có tấm lòng đôn hậu và có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Trong đợt dịch bệnh thứ 4, gia đình bà Tứ đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con cũng như lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn huyện Bàu Bàng.

Để san sẻ với những khó khăn, vất vả của lực lượng trực chốt và bà con nằm trong vùng phong tỏa, gia đình bà Tứ đã tự tổ chức nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng như bánh tét, xôi, cà ri… rồi trực tiếp đi trao tận tay mọi người. Bên cạnh đó, bà còn ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bếp ăn 0 đồng của huyện; miễn giảm tiền thuê nhà trọ 3 tháng cho những người ở trọ. Đồng thời, gia đình bà còn ủng hộ tiền mặt tới các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện để chung tay phòng, chống dịch bệnh với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Dù đã có nhiều nghĩa cử như thế nhưng khi được hỏi, bà Tứ lại cười hiền nói: “Những lúc như thế này mình không có đủ sức khỏe để tham gia tuyến đầu chống dịch thì làm hậu phương vững chắc cho tuyến đầu cũng được. Làm được gì những lúc khó khăn này thì mình cứ làm miễn sao góp sức, chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh là được. Tôi chỉ mong cuộc sống trở lại bình thường để con em được đi học, hàng xóm láng giềng qua lại hỏi thăm nhau mà không phải e dè, sợ hãi gì. Vậy nên tôi cố gắng trong điều kiện có thể, dù ít dù nhiều cũng là tấm lòng giúp nhau lúc khốn khó”.


Gia đình bà Nguyễn Thị Tứ tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bàu Bàng

Ròng rã hơn 3 tháng qua, những thành viên của Chi hội “Bếp yêu thương” thuộc Hội Chữ thập đỏ TX.Tân Uyên chưa có một ngày ngơi nghỉ trọn vẹn. Trong lúc cao điểm dịch bệnh họ phải liên tục đi sớm về khuya như những con thoi giữa các địa bàn dịch bệnh nóng bỏng. Không cùng độ tuổi, khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh... nhưng họ luôn chung một suy nghĩ, hành động là tình nguyện hỗ trợ người dân và chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy lùi đại dịch. Hàng ngàn phần quà bao gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết mà các thành viên của Chi hội “Bếp yêu thương” kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ đã được trao tới tận tay người dân khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chi hội trưởng Chi hội “Bếp yêu thương”, chia sẻ: “Đợt dịch này, TX.Tân Uyên là một trong những điểm nóng về số ca nhiễm. Chúng tôi cũng mong muốn góp một chút ít công sức để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Không gói gọn trong địa bàn TX.Tân Uyên, chúng tôi còn ủng hộ những địa phương khác trên địa bàn tỉnh nhằm san sẻ khó khăn với mọi người”.

Cứ như vậy, dù là những lúc ở tâm điểm của dịch bệnh hay những ngày “bình thường mới” như thế này, khi người dân cần, các thành viên trong Chi hội “Bếp yêu thương” lại không quản ngày đêm, mưa nắng để lặn lội đi vận động, kêu gọi mọi người ủng hộ. Rồi họ lại bốc vác, phân chia, gói ghém từng túi quà để trao tận tay những người cần giúp đỡ.

Ân tình không quên

Giờ đây, khi đang sống trong những ngày “bình thường mới”, chị Phạm Thị Hợp ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An có thời gian hồi tưởng những ngày “khóa chặt, đông cứng” nhiều gian khó. Với chị, có lẽ quãng thời gian “khóa chặt, đông cứng” nội bất xuất, ngoại bất nhập là những tháng ngày không bao giờ quên trong cuộc đời. Sao quên được khi mà trong quãng thời gian ấy, chị đã cảm nhận sâu sắc được 2 chữ đồng bào.

Chị Hợp kể lại, trong những ngày khu vực gia đình ở nằm trong “vùng đỏ đậm đặc”, chị không may bị đau ruột thừa và lực lượng y tế phường báo phải nhập viện gấp để mổ. Tình thế cấp bách khi gia đình không có anh em ở gần, ngoài hai vợ chồng thì còn hai con nhỏ. Nếu chồng đi cùng thì không ai giữ con mà chồng ở nhà thì không ai chăm chị trong những ngày ở viện. Trong lúc bí bách, anh chị được hàng xóm giúp đỡ bằng cách cắt cử một người trong xóm đi cùng chị trong những ngày nằm viện.

“Trong những ngày tôi nằm viện, ở nhà mọi người thay nhau cùng phụ chồng tôi chăm lo cho hai đứa con nhỏ. Người nấu cháo, người cho miếng ăn ngon, người mang cho bịch sữa. Cứ như vậy chúng tôi cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Chưa bao giờ tôi thấy câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” lại đúng như lúc này. Ân tình này gia đình chúng tôi không bao giờ quên được”, chị Hợp bộc bạch.

Trong suốt những ngày “khóa chặt, đông cứng”, những người dân ở các phường thuộc “vùng đỏ đậm đặc” không khỏi xúc động trước hình ảnh các anh bộ đội, dân quân… giữa cái nắng chói chang mang vác từng phần quà, những túi lương thực, thực phẩm trao tới tay người dân. Tất cả đều biết, đằng sau lớp kính chống giọt bắn, lớp khẩu trang đó là những khuôn mặt bị rám nắng đầm đìa mồ hôi và tất nhiên còn có những nụ cười thường trực trên môi của các anh. Các anh đã len lỏi tới những con hẻm nhỏ với mục tiêu sẽ không bỏ sót một nhà nào, một phòng trọ nào để người dân có thể yên tâm ở nhà chống dịch mà không bị đói. Những ân tình này người dân sẽ không bao giờ quên.

Nhiều hành động đẹp đã thật sự lan tỏa, sẽ là những hình ảnh mãi còn lưu lại trong ký ức của mọi người khi dịch bệnh qua đi. Không thể quên hình ảnh những người dân miền Trung ôm từng quả bầu, vác từng cân gạo đi ủng hộ cho người dân miền Nam ruột thịt. Làm sao quên được hình ảnh những em nhỏ đập heo đất lấy tiền tiết kiệm đi đóng góp ủng hộ chống dịch. Hay hình ảnh những chị em phụ nữ, các bạn đoàn viên thanh niên ngày đêm may khẩu trang, thức đêm gói bánh, nấu ăn cho lực lượng kiểm soát, kiểm dịch... Những việc làm đó tuy nhỏ bé, đời thường nhưng lại chất chứa tình người sâu nặng, mang lại niềm tin về sự tử tế, về cái đẹp để từ đó xốc lên tinh thần vượt khó, động viên mọi người kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn trước hiểm họa đại dịch.

Nhiều hành động đẹp đã thật sự lan tỏa, sẽ là những hình ảnh mãi còn lưu lại trong ký ức của mọi người khi dịch bệnh qua đi. Những việc làm đó tuy nhỏ bé, đời thường nhưng lại chất chứa tình người sâu nặng, mang lại niềm tin về sự tử tế, về cái đẹp để từ đó xốc lên tinh thần vượt khó, động viên mọi người kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn trước hiểm họa đại dịch.

HỒNG PHƯƠNG