Di tích lịch sử - văn hóa: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa địa phương
Bình Dương là địa phương có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Những năm gần đây, ngành văn hóa - thể thao vàdu lịch (VH-TT&DL) đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
(BDO)
Ông Mai Hùng Dũng (trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng công nhận di tích cho lãnh đạo phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên
Phấn khởi và tự hào
Sáng nay (21-4), Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân khu phố Tân Long, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên vinh dự và phấn khởi được đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh miếu Ông - Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương.
Theo các cụ lớn tuổi trong khu phố Tân Long, miếu Ông được xây dựng vào năm 1735 để làm nơi chiêm bái, cúng kiến. Tận dụng sự ra vào cúng kiến của người dân nên Tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã bố trí hòm thư, cán bộ tại miếu để nắm bắt tình hình địch, giao liên, nhận và truyền tin cung cấp cho chiến trường. Tại đây, Tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã tổ chức khai thác, thu nhận được nhiều thông tin quan trọng, có giá trị chiến lược, góp phần thay đổi cục diện của ta trên chiến trường, đập tan các cuộc hành quân của địch.
Sự đóng góp của chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động Bình Dương vô cùng to lớn trong hai cuộc kháng chiến. Những chiến công vang dội của chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là bài học cho tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc, an ninh của đất nước. Bài học đó không chỉ có giá trị trong thời chiến mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo vệ nền an ninh đất nước trong thời bình. Vì vậy, sau khi sưu tầm các chứng cứ lịch sử, Sở VH-TT&DL đã đề nghị UBND tỉnh cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho miếu Ông. Việc quyết định công nhận xếp hạng di tích miếu Ông - nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương góp phần tuyên truyền, giáo dục về lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Qua thời gian sưu tầm hình ảnh, hiện vật, xác minh các nguồn tư liệu lịch sử, đầu tháng 4-2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khu phố Khánh Long, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên cũng hạnh phúc khi được đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Bưng Cù.
Đình Bưng Cù được xây dựng vào khoảng năm 1850. Đây là nơi có ý nghĩa đặc biệt trong việc gắn kết cộng đồng, cùng nhau chinh phục hoàn cảnh khắc nghiệt của vùng đất phương Nam và chống giặc ngoại xâm. Với mục đích, ý nghĩa đó, ngày 19-11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua Tự Đức đã ban sắc phong “công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng” để nhân dân thờ tự. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Bưng Cù là cơ sở cách mạng quan trọng của địa phương. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư khu phố Khánh Long nói: “Đảng bộ và nhân dân khu phố Khánh Long đã chờ đợi giây phút đình Bưng Cù được công nhận di tích từ rất lâu. Giờ đây điều mơ ước ấy thành hiện thực, chúng tôi sẽ nỗ lực để bảo tồn di tích. Đây sẽ là nơi giáo dục thế hệ con cháu truyền thống đấu tranh của dân tộc để cố gắng học tập, lao động xây dựng địa phương thêm giàu đẹp”.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Ngoài 2 đình, miếu vừa được trao bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo thống kê của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh (BQL DT-DT), toàn tỉnh có 55 di tích, trong đó 12 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh. Phát huy giá trị di tích, đồng thời thu hút các tầng lớp nhân dân đến với di tích, riêng năm 2016, BQL DT-DT tỉnh đã tổ chức thuyết minh phục vụ khách tham quan tại di tích Nhà tù Phú Lợi, Nhà cổ Trần Văn Hổ, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, Địa đạo Tam giác sắt với tổng số 53.244 lượt người; sưu tầm hiện vật các di tích địa đạo Tam giác sắt và di tích Chiến khu Đ với 120 hiện vật làm phong phú hiện vật hiện có… Công tác tu bổ và phục hồi di tích cũng được BQL DT-DT tỉnh tham mưu Sở VH-TT&DL trong việc chăm sóc cây kiểng và xử lý, chống mối mọt các di tích Nhà tù Phú Lợi, Nhà cổ Trần Văn Hổ, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nhà cổ Trần Công Vàng, Chùa Hội Khánh, Đình Phú Long, Địa đạo Tam giác sắt. BQL DT-DT đã tham gia, phối hợp thực hiện tu bổ, phục hồi di tích Chiến khu Đ; thực hiện bảo quản trang phục nhóm tượng trưng bày tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi...
Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nhằm giúp cho hế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về lịch sử địa phương, tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chống ngoại xâm, ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương nơi có di tích và cộng đồng cùng với ngành VH-TT&DL chung tay nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích để những giá trị ấy được sống mãi trong tinh thần của nhân dân Bình Dương nói riêng và của cả nước nói chung. Có như vậy mới phát huy hết giá trị lịch sử, văn hóa của từng di tích để nơi này mãi là nơi lưu giữ những giá trị của địa phương”.
T.LÝ