Di tích lịch sử suối Mạch Máng: Khắc ghi trận đánh lịch sử

Thứ sáu, ngày 09/10/2020

(BDO) Chiến công còn vang

Từ trụ sở UBND phường Tân Bình hướng về khu phố Tân Phước, chạy xe một đoạn ngắn chúng tôi đã đến đầu đường Nguyễn Thị Tươi. Con đường gắn liền với truyền thống lịch sử của vùng đất này được chọn và đặt theo tên của nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tươi, một người con ưu tú từng sống, tham gia hoạt động cách mạng và hy sinh trên mảnh đất quê hương Tân Bình, Dĩ An. Trước đây, con đường này còn có tên là đường Mả 35 (ngôi mộ 35 người), vì trên con đường ấy có chứng tích lịch sử Mả 35 - nơi thực dân Pháp đã chôn 35 người chung một hố chôn vào tháng 3-1947. Men theo con đường mang tên nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tươi, chúng tôi được một cán bộ phường Tân Bình dẫn đi thăm di tích lịch sử thời chống Pháp, Mả 35. Cũng trên con đường đó, xe chúng tôi chạy thêm một đoạn nữa là đến di tích lịch sử suối Mạch Máng (còn gọi là suối Sọ).

Văn bia di tích suối Mạch Máng được dựng năm 2018

Lịch sử suối Mạch Máng gắn liền với trận đánh chống càn ngày 4-5-1968. Vào ngày này, với sự yểm trợ của máy bay, pháo binh, xe tăng và hơn 4.000 quả trọng pháo, bộ binh Mỹ - ngụy đã mở cuộc càn quét hết sức ác liệt. Bọn chúng đã điên cuồng đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom trong một ngày đầy máu lửa. Sau này, một số nhân chứng lịch sử từng chiến đấu trên vùng đất này kể lại và cho rằng đây là trận đánh kinh hoàng nhất diễn ra ở vùng đất Tân Bình trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Theo lịch sử Đảng bộ phường Tân Bình ghi lại, lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân địa phương tham gia trong trận chống càn này bao gồm: Đại đội 100, Tiểu đoàn 22, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7), bộ đội địa phương huyện Dĩ An (lúc bấy giờ) và cán bộ, dân quân du kích xã Tân Hiệp và xã Bình Trị (nay là phường Tân Bình).

Sau hơn một ngày đêm kiên cường bám trụ chiến đấu, đánh trả hết sức quyết liệt, quân và dân ta đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công và làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn cháy 4 xe tăng, bẻ gãy hoàn toàn trận càn với quy mô lớn của kẻ thù. Thế nhưng, để có được chiến công ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân địa phương đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này. Từ sau trận chống càn đó, con suối nhỏ mà người dân địa phương lâu nay quen gọi là suối Bà Cát cũng được đổi thành suối Mạch Máng. Tiếp đó nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng sau, người ta còn thấy nhiều sọ người dọc theo con suối này. Đó cũng là lý do người dân địa phương gọi suối Mạch Máng là suối Sọ. Tên gọi suối Sọ còn để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi tri ân công lao đóng góp của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mãi mãi tri ân

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng đất Tân Bình là địa bàn được nhiều đơn vị quân dân, chính đảng chọn làm nơi đứng chân để tập hợp, củng cố, phát triển lực lượng. Với sự bảo vệ, che chở, đùm bọc của nhân dân, nhiều đồng chí, cán bộ cách mạng của Khu ủy miền Đông, tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa lúc bấy giờ đã đến đây bám trụ xây dựng và chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Dù bị kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá, kìm kẹp, nhưng Tân Bình vẫn là hậu phương vững chắc cho lực lượng cách mạng hoạt động. Trên mảnh đất anh hùng này, có biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương đã đổ xuống, viết thêm một trang sử vẻ vang cho vùng đất Tân Bình, Dĩ An và góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Để tri ân công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng các anh hùng liệt sĩ trong trận đánh suối Mạch Máng năm 1968, nhân kỷ niệm 40 năm trận đánh suối Mạch Máng, TP.Dĩ An đã tiến hành xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng (năm 2008). Đến năm 2018, văn bia di tích suối Mạch Máng tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và dân dân TP.Dĩ An dựng lên để tỏ lòng tri ân, đời đời ghi nhớ công ơn, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước và nhân dân địa phương vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Ngày 24-4-2013, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử suối Mạch Máng (suối Sọ) là di tích cấp tỉnh, thành phố.

Di tích lịch sử suối Mạch Máng không chỉ là nơi ghi lại truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta mà còn là địa điểm về nguồn ý nghĩa, góp phần giáo dục về lịch sử hào hùng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hàng năm, đến dịp kỷ niệm trận đánh suối Mạch Máng ngày 4-5 hay vào dịp lễ 30-4, 27-7... lãnh đạo tỉnh và các tỉnh, thành bạn; tướng lĩnh Quân đoàn 4 qua các thời kỳ; thân nhân các gia đình liệt sĩ và người dân địa phương thường về đây thắp nén hương thơm thành kính tưởng nhớ, tri ân những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương đã anh dũng chiến đấu vì quê hương, đất nước và hy sinh trong trận đánh này.

HỒNG THUẬN