Di tích khảo cổ phú Chánh: Những di vật đặc biệt chỉ có ở Bình Dương

Thứ bảy, ngày 07/12/2013

Di tích khảo cổ được phát hiện ở xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với sự xuất hiện các trống đồng Đông Sơn được xác định niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ I đầu Công nguyên. Đây là một di tích của một cộng đồng cư dân sống cách chúng ta hơn 2 thiên niên kỷ. Điều đặc biệt ở di tích này là phát hiện nhiều loại hình di vật gây bất ngờ cho giới khảo cổ và là di tích mang nhiều tư liệu mới cho ngành khoa học khảo cổ ở Việt Nam. Bên cạnh các di vật như trống đồng, cọc gỗ, chum gỗ, di tích Phú Chánh có hàng loạt di vật gỗ khá lạ mà sau đó, qua một thời gian nghiên cứu, các nhà khảo cổ mới xác định đó là những dụng cụ có khả năng là công cụ dệt vải của cư dân Phú Chánh lúc bấy giờ.

Các di vật được cho là công cụ dệt này hầu hết được phát hiện trong di tích mộ táng nằm rải rác trong các ngôi mộ. Điều đó chứng tỏ phần lớn các di vật này là vật tùy táng được chôn theo chủ nhân của nó sau khi họ qua đời. Việc chôn theo đồ vật cho người chết ngoài các vật dụng sinh hoạt thường ngày, dụng cụ làm nghề mà người chết khi còn sống đã làm cũng thường được chôn theo đối với các cư dân cổ xưa. Các dụng cụ có các loại hình như sau:

Dao dệt có hai hiện vật làm bằng loại gỗ cứng màu nâu đỏ, hình dáng thoạt nhìn giống thanh kiếm. Hiện vật 1 dài 70cm, rộng 6,5 - 7,5cm, dày 0,7cm. Hiện vật 2 dài 99cm, dày 1,35cm. Thân thon dần tạo một đầu hơi nhọn, một đầu khoét eo vào như một đốc cầm (tạm thời gọi là đốc). Đầu đốc tạo 3 mấu, phần đốc khoét thủng tạo 6 hình tam giác cân.

Trục dệt có ba hiện vật cũng làm bằng loại gỗ cứng màu nâu đỏ, hình dáng là một thanh gỗ hình chữ nhật hẹp và dài, hai đầu hai bên mỗi đầu đều tạo giống như 2 sừng hơi cong, mũi sừng ngã về 2 hướng nghịch chiều nhau. Hiện vật dài 70cm, rộng 8,0cm, dày 2,2cm. Sừng dài nhất 11,5cm, sừng ngắn nhất 8,0cm.

Thanh gỗ có nấc (nhóm di vật này chưa xác định công dụng cụ thể) có 17 hiện vật. Các di vật có cùng đặc điểm chung về cấu tạo hình dáng nhưng khác nhau về kích thước. Hiện vật dài nhất là 37,5cm; ngắn nhất là 20cm. Nấc cao nhất là 3,8cm; thấp nhất là 2,2cm. Về hình dáng thoạt nhìn các di vật gần giống các cây lược dùng để chải, một mặt phẳng (tạm gọi là mặt lưng) mặt bên tạo thành các nấc nhọn. Hầu hết những cây có nhiều nấc thường cách đều nhau và các nấc có cùng độ cao. Mũi các nấc được chuốt nhọn hoặc vát nhọn ở một mặt. Loại hình công cụ này được chế tác rất công phu, các vết đẽo gọt rất sắc nét và gọn.

Lược gỗ có hai tiêu bản (hiện vật không còn nguyên vẹn), chất liệu gỗ màu xám, thớ gỗ mềm. Lược có phần đầu cong tròn, một mặt bên thẳng, một mặt hơi cong. Lược gồm có 60 răng nhuyễn nằm khớp nhau, chiều dài của răng 1,0cm so le nhau. Hai mặt bên có 2 răng lớn gấp 2 lần răng nhỏ. Kích thước: dài 4,5cm; rộng 4,7cm; dày 0,45cm.  

 Các hiện vật được cho là dụng cụ xe sợi, dệt vải phát hiện tại di tích khảo cổ Phú Chánh (Nguồn: Bảo tàng Bình Dương

Di vật gỗ hình thoi (chưa xác định công dụng) có 1 hiện vật, các cạnh tương đối đều nhau, các mặt phẳng vát hơi nghiêng, đáy rộng hơn mặt. Giữa hiện vật có khoan một lỗ tròn đều đường kính 1,2cm, mặt dưới phẳng, mặt trên hơi lõm. Kích thước: dài 8,5cm; rộng 4,4cm; dày 2,9cm. Hiện vật giống hình mẫu con thoi (điếu tống can), có khả năng quan hệ đến việc làm bông xe sợi trong nghề dệt.

Di vật gỗ hình cánh cung (chưa xác định công dụng) có một hiện vật, hình dáng giống cây cung, được chế tác từ một thanh gỗ nguyên khoét rỗng phần giữa tạo một cung tròn 9,0cm; rộng 3,5cm.

Di vật hình tẩu thuốc (chưa xác định công dụng) có một hiện vật nguyên và một vài mảnh vỡ của một di vật tương tự. Hiện vật có một đầu được gọt đẽo thành hình nón có cấu tạo 6 mặt hình tam giác không đều nhau. Các mặt tam giác này kéo dài từ đỉnh xuống phần thân cong nhẹ. Cán lượn cong giống cán của tẩu thuốc lá. Kích thước: dài 16cm; đường kính hình nón 3,0cm; cán rộng 1,2cm.

Các di vật dù chưa có sự đối sánh hoàn toàn nhưng do cùng phát hiện rải rác lẫn lộn nhau trong một di tích thì chắc chắn có mối quan hệ với nhau, nhất là khi xác định được ở đây có nghề xe sợi dệt vải.

Việc phát hiện nghề xe sợi dệt vải ở Phú Chánh không phải là phát hiện đầu tiên trong nghiên cứu khảo cổ ở Bình Dương, vì trước đó khoảng 1.000 - 1.500 năm trước di tích Phú Chánh, các cư dân cổ ở Dốc Chùa và Cù lao Rùa (Tân Uyên) đã có nghề xe sợi dệt vải. Ở đó, hàng trăm dọi xe sợi bằng gốm đã được phát hiện. Điều đặc biệt ở di tích Phú Chánh là công cụ dệt đã tiến thêm một bước là làm bằng gỗ và có rất nhiều loại hình được phát hiện. Chắc chắn cư dân ở đây có trình độ tổ chức cuộc sống tốt và khá phát triển.

• ĐÔNG KỲ