Di tích Chùa núi Châu Thới: Cần được bảo vệ
Nằm ẩn giữa những tàng cổ thụ xanh mát, dù xây dựng với vật liệu hiện đại, chùa vẫn giữ được kiến trúc cổ kính, bởi vậy, Chùa núi Châu Thới đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1989. Hiện nay, với lượng khách thập phương đến viếng chùa đông, cộng với việc khai thác đá xung quanh núi đang làm cho Chùa núi Châu Thới phải “kêu cứu” trước nguy cơ ô nhiễm và thu hẹp dần. Một góc Chùa núi Châu Thới
Toàn cảnh Chùa núi Châu Thới
Chùa núi Châu Thới là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của đất Gia Định xưa được giữ gìn, tôn tạo và phát triển cho đến ngày nay. Chùa được xây trên ngọn núi Châu Thới cao 82m ở xã Bình An, TX.Dĩ An nên có tên chùa núi Châu Thới. Chùa núi Châu Thới được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 451/NH-QĐ ngày 21-4-1989.
Điểm đặc biệt khi đặt chân đến với chùa là 2 con đường lên chùa. Muốn lên chùa phải vượt qua 220 bậc thang dốc và một con đường vòng quanh núi thơ mộng. Cổng chùa được thiết kế có 3 mái cong và Bánh xe Pháp luân nằm ở giữa đỉnh. Theo quan sát của người viết, ngôi chùa mang nét kiến trúc đặc trưng của phương Đông, nóc lợp ngói chồng lên nhau có nhiều hình rồng phụng. Các trụ cột của chùa được làm bằng gỗ thật hoặc xi măng giả gỗ và được trang trí bằng hình rồng hay hoa lá, quả. Nét nổi bật trong trang trí kiến trúc của chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu của mái chùa và có đến 9 hình rồng hướng về nhiều phía.
Ngoài niên đại hình thành cách đây trên 300 năm, chùa còn có nhiều giá trị về đặc điểm cấu trúc cũng như về nghệ thuật tạo hình như đúc, nung, điêu khắc, chạm trổ qua các tranh tượng, vật dụng... Chùa có 2 bộ tượng cổ là Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương bằng đất nung, đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của chùa còn lưu giữ được, qua đó cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm. Chùa cũng còn lưu giữ được 3 pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa.
Năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung nặng 1,5 tấn, cao 2m, đường kính 1,2m (theo mẫu của chùa Thiên Mụ). Từ 1996 đến 1998, chùa đúc thêm 7 tượng Phật bằng đồng và cho xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24m. Năm 2002, bên phải ngôi chùa xây một công trình mới gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3m, nặng 3 tấn. Ngoài ra, chùa còn có một tượng Quan Âm Bồ Tát lộ thiên cao 22,5m, nặng trên 100 tấn, được xem là pho tượng cao nhất của tỉnh Bình Dương.
Điểm nhấn của ngôi Chùa núi Châu Thới, đứng từ trên chùa du khách có thể ngắm toàn bộ TX.Dĩ An, Biên Hòa (Đồng Nai) từ trên cao. Với những ngôi nhà nhỏ bé đủ màu sắc, các tuyến đường giao thông, hay những hàng cây xanh, cộng với luồng gió mát tạo cho người xem cảm giác thoải mái, thanh thản. Anh Lê Văn Lành, du khách đến từ Đồng Tháp, chia sẻ: “Nghe mọi người nói về Chùa núi Châu Thới đã lâu nay mới được đến thăm. Đây quả là một ngôi chùa đẹp, cổ kính, xứng đáng là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh”.
Di tích bị ô nhiễm
Với những vẻ đẹp cổ kính, huyền bí, nhẹ nhàng... từ lâu Chùa núi Châu Thới đã thu hút nhiều du khách thập phương đến viếng chùa, lễ Phật. “Vào những ngày rằm tháng 4, rằm tháng 7 hàng năm lượng khách đến chùa có thể lên đến vài ngàn người. Những ngày đầu năm mới, du khách các tỉnh đến chùa bắt đầu đông dần từ tháng chạp năm trước đến hết tháng giêng”, Trâm, người bán nước lâu năm tại chùa, nói.
Tuy nhiên, có cung có cầu, lượng khách đông nên hàng quán cũng mọc lên ngổn ngang, lộn xộn như một... cái chợ. Những người bán hàng ngồi khắp cổng chùa. Bên cạnh đó là tình trạng xả rác bừa bãi của du khách sau khi tham quan khu di tích, các loại túi ni lông, vỏ bánh, kẹo, giấy... tràn ngập từ trong cổng chùa cho tới khuôn viên, bồn hoa khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Ngoài ra, sự xuất hiện của các công ty, xí nghiệp khai thác đá xung quanh chùa làm diện tích núi bị thu hẹp. Các con đường dẫn lên chùa, bị “xé nát” bởi các xe container chở đá, trời nắng thì bụi, trời mưa thì nước đọng... gây khó khăn cho du khách viếng chùa!
Thiết nghĩ, Chùa núi Châu Thới là một di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, là nơi hội tụ văn hóa Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng, nơi bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc nên rất cần được các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương và ý thức của du khách trong việc tôn tạo, bảo vệ, quản lý đúng mức. Qua đó, không làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển, bảo tồn văn hóa lịch sử, du lịch của tỉnh Bình Dương.
THIÊN HUY