Đi học làm nông nghiệp hữu cơ

Thứ hai, ngày 22/05/2023

(BDO) Nhiều loại nông sản Việt có tên tuổi nhất định trên thị trường song "tai tiếng" với cái mác không sạch khiến nhiều người trồng vất vả.

Nông dân học cách làm nông nghiệp hữu cơ

Thế rồi, nhiều nhà nông trẻ ở huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã cùng nhau mò mẫm học làm phân hữu cơ vi sinh, "chế" thuốc trừ sâu sinh học với tham vọng phần nào xóa bỏ định kiến không sạch gán lên không chỉ cà phê mà còn những loại nông sản khác.

Tiếng "oan" của hạt cà phê

Con đường lộ cắt ngang thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) rộn tiếng còi xe khách, xe tải vào ra gian hàng nhỏ chất đầy cà phê, bơ, tiêu.

Đấy là cửa hàng của Hợp tác xã (HTX) nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông. Đón khách, anh Hà Công Xã - thành viên sáng lập HTX - khoe: "Ban đầu lập HTX để tìm kênh bán hàng ổn định, tăng thu nhập. Nhưng càng làm chúng tôi càng khát vọng phải xóa cái mác cà phê bẩn".

Anh với tay lấy bịch cà phê thương hiệu Champi của HTX, bắt đầu kể về lý do hình thành thương hiệu nông sản hữu cơ Bechamp. Trước khi HTX Bechamp thành lập, hàng tấn nông sản bà con làm ra chỉ có một cách duy nhất là bán thô cho thương lái.

Thu nhập, lời lãi cả vụ mùa mỗi năm phụ thuộc hết vào giá do thương lái đưa ra. Nông dân luôn bị động ở khâu tiêu thụ. Nhiều nhà bị ép giá, họ tiếc công trồng, chăm bón cả năm nên "ghim" hàng hy vọng chờ giá lên. Nhưng rồi điều kiện bảo quản không tốt, nông sản hư phải đổ bỏ hết.

Qua thông tin truyền thông, cộng với chia sẻ từ chính người dùng, du khách, những người trồng cà phê ở Đắk Nông tin rằng hạt cà phê mình làm ra có chất lượng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị cũng "vạn người mê".

Nhưng tại sao hạt cà phê làm ra luôn bị mang tiếng "oan" là... đồ bẩn thì những người nông dân ấy chịu, không biết được!

Cùng học làm nông nghiệp hữu cơ

Với người nông dân ở Trường Xuân, chuyển đổi mô hình từ làm nông truyền thống gắn liền với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học sang nông nghiệp hữu cơ vốn đầy mới mẻ nhưng hào hứng lạ thường.

Những buổi bổ túc kiến thức về nông nghiệp hữu cơ do chính các thành viên HTX Bichamp tổ chức ngay tại trụ sở xã luôn đông người. Cả trăm nhà nông già trẻ có mặt khi lặng lẽ ghi chép, lúc sôi nổi trao đổi.

Mắt nhìn, tay cầm bút, họ cẩn thận chép vào sổ tay công thức để tạo vi sinh với ước mơ về một nền nông sản sạch và chuẩn hữu cơ.

Anh Trần Văn Cường (28 tuổi) đang làm chủ 3ha cà phê trồng xen canh cùng sầu riêng, tiêu. Mỗi năm anh thu về 500 - 700 triệu đồng, song khi nghe có lớp tập huấn là tạm gác cuốc đến học cách làm nông nghiệp hữu cơ.

Áp dụng ngay, Cường trồng tách biệt gần 1ha cà phê trong vườn, chuyển hoàn toàn sang sử dụng phân hữu cơ tự làm.

Một nông dân khác, chị Nguyễn Thị Tốt, cũng có nhiều héc ta cà phê, cũng chủ động đi đây đó học cách làm phân bón hữu cơ rồi về làm cho mình khu vườn chuẩn hữu cơ.

"Trước đây một ngày phun thuốc trừ sâu xong đến ba hôm sau vẫn mỏi nhừ. Rồi nghe tivi nói nhiều về nông nghiệp hữu cơ, tò mò nên đi học thử mang về áp dụng cho vườn nhà thấy người nhẹ nhõm hẳn", chị Tốt kể.

Giám đốc HTX Bechamp Lê Đình Hùng cho biết sau hai năm thành lập, hiện đã có 30 thành viên chính thức cùng 100 thành viên liên kết trong HTX.

Khoảng 100ha đất canh tác cà phê, tiêu của thành viên HTX bắt buộc 100% dùng phân vi sinh có lợi được làm từ đu đủ, chuối, cám gạo, vi sinh, cá... Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, hormone tăng trưởng... bị cấm tiệt.

Một số nông dân nói họ khiếp sợ trước tác hại ghê gớm mà phân bón và thuốc hóa học gây ra trực tiếp lên sức khỏe. Nên khi nhiều người háo hức tìm hiểu làm nông nghiệp hữu cơ, học cách nuôi cấy vi sinh... khiến ai cũng vui.

Chưa dám bàn nhiều về những giá trị kinh tế nhưng nhiều nông dân thấy hạnh phúc vì sức khỏe đã dần cải thiện từ ngày học làm nông nghiệp hữu cơ.

Việc phổ biến kiến thức ngay giữa vườn, cùng nhau nếm thử mẻ vi sinh vừa ươm, thậm chí thuốc trừ sâu, nấm khuẩn (cay, đắng, nóng và vi sinh vật - PV) đã là chuyện thường ngày ở đây.

"Chúng tôi tự hào vì toàn bộ đều là nông dân tự mày mò học hỏi nhưng đã chuẩn hóa được quy trình sản xuất lẫn chế biến nông sản hữu cơ. Kết quả bước đầu cho thấy hồ tiêu tăng 30% giá trị, cà phê tăng 50%, loại cao nhất đang có giá 300.000 đồng/kg", ông Lê Đình Hùng nói.

Theo TTO