Di dời doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp lên phía Bắc: Cuộc cách mạng trên đường phát triển
(BDO) Kỳ 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế
Bước đi nhiều ý nghĩa
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đề án chuyển đổi công năng, di dời DN vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN) là chủ trương lớn nhằm thực hiện Chương trình số 34 năm 2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về đổi mới thu hút đầu tư. Hoàn thành đề án này có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp sắp xếp lại không gian phát triển, khắc phục các hạn chế, khai thác tốt tiềm năng đất đai ở các huyện phía Bắc. Việc di dời sẽ có thể tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo của Bình Dương khi khu vực phía Bắc thực sự chuyển mình thành trung tâm công nghiệp - khoa học công nghệ mới và khu vực phía Nam thành trung tâm của các đô thị chất lượng cao.
Các khu công nghiệp ở phía bắc của tỉnh có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bàu Bàng đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: NGỌC THANH
“Chủ trương là để công nghiệp Bình Dương mạnh hơn, tốt hơn. Mục đích cuối cùng là bảo đảm sự phát triển tối đa của DN. Việc di dời không nên hiểu đơn giản chỉ là chuyển từ điểm này sang điểm khác, mà đó là mở rộng không gian phát triển mới, khai thác tốt tiềm năng đất đai. Sau hơn 25 năm phát triển, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã chuyển dịch mạnh mẽ theo cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đã đến lúc chúng ta phải làm cuộc cách mạng mới. Để làm được cuộc cách mạng này không tránh khỏi khó khăn nhưng đó là việc vô cùng quan trọng. Tỉnh mong muốn có được sự ủng hộ, chia sẻ khó khăn từ cộng đồng DN để Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Nguyễn Văn Dành chia sẻ.
Theo Sở Công thương, số lượng các DN sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN/CCN của tỉnh rất lớn, chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đa phần các cơ sở này đều được xây dựng, đi vào hoạt động từ trước khi có các KCN/ CCN tập trung. Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Các cơ sở phân bố không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp, nằm rải rác, xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Nhiều DN thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng... Tất cả gây nên khó khăn trong việc quy hoạch phát triển các đô thị lớn, có nguy cơ gây mất an toàn trong sản xuất, môi trường và vấn đề an sinh xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện có gần 3.000 DN sản xuất công nghiệp với các quy mô khác nhau, phân bố nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam tỉnh. Sở Công thương hiện tiếp tục phối hợp với các sở ngành địa phương để xây dựng các nhóm tiêu chí, lộ trình phù hợp. Trên cơ sở bảo đảm cao nhất sự thuận lợi và ổn định cho DN trong lộ trình di dời. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục lấy ý kiến của các DN từ tiêu chí, danh sách và lộ trình cụ thể, không gây nên những xáo trộn quá lớn từ nhân sự đến tài chính. Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN/CCN xác định 4 nhóm tiêu chí để đánh giá, gồm: Công tác bảo vệ môi trường; phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; danh mục ngành nghề sản xuất và ý thức chấp hành quy định của pháp luật.
Bảo đảm hài hòa lợi ích
Việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các DN sản xuất vào các KCN/CCN quy mô lớn vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư, vừa góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại đã và đang được các ngành, địa phương phối hợp triển khai. Các DN chịu tác động mong muốn sớm được công bố danh sách, lộ trình di dời cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để ổn định duy trì sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp mong muốn được chuyển đổi công năng khu đất sản xuất phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long, TP.Thuận An
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An), việc di dời là một chủ trương lớn của tỉnh sau thời gian phát triển. DN cũng đã có bước chuẩn bị từ khi có chủ trương, tuy nhiên, có 2 vấn đề khá lo lắng. “Nhà nước sẽ tạo điều kiện như thế nào để chúng tôi chuyển đổi công năng với khu đất tại địa phương bảo đảm hài hòa lợi ích, đây là một vấn đề lớn liên quan đến tài sản, đất đai của DN. Thứ đến, vấn đề đáng ngại nhất là khâu tuyển dụng lao động để bảo đảm cho sản xuất và phát triển”, ông Huỳnh Quang Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, sẽ có gần 3.000 DN và khoảng 588.000 lao động chịu ảnh hưởng từ đề án này. Da giày là ngành thâm dụng lao động, khi thực hiện việc di dời các ngành phải tính cả việc bảo đảm nguồn lực để phát triển sản xuất. Chủ trương chung của Nhà nước, DN sẽ hết sức ủng hộ. Đối với ngành da giày, việc di dời thích hợp nhất khi hình thành các khu cụm công nghiệp chuyên ngành, các DN sẽ dễ dàng hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng.
(Còn tiếp)
TIỂU MY