Di dời doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp: Bảo đảm hài hòa lợi ích
(BDO) Bình Dương tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng chuyển đổi công năng, di dời các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Đây là đề án lớn, khó và hết sức quan trọng của tỉnh, đòi hỏi vừa có sự đồng thuận của doanh nghiệp (DN), lại vừa đúng chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao. Tỉnh đang quyết tâm thực hiện chủ trương này với mong muốn mang lại lợi ích tối đa cho DN, cho nhân dân, đồng thời bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Chủ trương lớn
Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN nằm ngoài KCN, CCN ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN tỉnh Bình Dương”. Mục tiêu của đề án là vận động các DN đang có các dự án sản xuất công nghiệp ngoài KCN, CCN ở địa bàn phía nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN. Theo đó, lộ trình thực hiện tại các địa bàn huyện, thị, thành phố như sau: TP.Thuận An từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2028; TP.Dĩ An từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030; TP.Thủ Dầu Một từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030.
Qua các buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, đa số các DN đều cho biết đây là chủ trương lớn của tỉnh, là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển nên DN phải thực hiện. Các DN mong UBND tỉnh và các sở, ban, ngành sẽ thông cảm, hỗ trợ và làm từng bước một, có lộ trình cụ thể để các DN có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng.
Khu công nghiệp Bàu Bàng với quỹ đất sạch đồi dào, được quy hoạch bài bản với hạ tầng đồng bộ sẽ là điểm đến thích hợp đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trước nhu cầu chính đáng của DN, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4160/ UBND-KT ngày 26-8-2020 thống nhất về chủ trương cho gia hạn thời gian thuê nhà xưởng các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN, CCN trên địa bàn phía nam của tỉnh (gồm TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một) đến ngày 31-12-2025 đối với các dự án đáp ứng 3 điều kiện: Phù hợp quy hoạch, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và có phương án di dời hoặc chuyển đổi công năng đúng lộ trình.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Định hướng chuyển đổi công năng, di dời các dự án sản xuất công nghiệp vào các KCN, CCN của tỉnh không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhà đầu tư cũng như đời sống của một bộ phận người lao động, nhưng đây là xu thế tất yếu, và mục đích cuối cùng của tỉnh vẫn là mong muốn bảo đảm lợi ích tối đa cho DN, cho nhân dân. Do đó, việc yêu cầu các DN di dời hoặc chuyển đổi công năng cần bảo đảm lộ trình đã đề ra (đến năm 2028-2030), tuy nhiên cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn cho DN, người lao động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn như hiện nay. |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đa số các dự án thuê nhà xưởng để hoạt động trên địa bàn TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một không còn phù hợp về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (đa số thuộc quy hoạch đất ở, thương mại - dịch vụ), không đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện theo Công văn số 4160/UBND-KT của UBND tỉnh. Theo báo cáo của các nhà đầu tư, DN, việc di dời nhà máy hiện nay cũng gặp phải các khó khăn, vướng mắc như chưa có địa điểm phù hợp về quy hoạch, môi trường, hệ thống xử lý nước thải, khó khăn trong việc tuyển dụng, duy trì lực lượng lao động.
Xây dựng lộ trình phù hợp
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở dựa trên 4 tiêu chí, gồm: Công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đã được phê duyệt và còn hiệu lực, ngành nghề sản xuất, ý thức chấp hành quy định của pháp luật để xác định tiêu chí đánh giá đối với cơ sở sản xuất phải di dời và DN, cơ sở sản xuất phải chuyển đổi công năng. “Chúng tôi thường xuyên thông báo cho các DN đề án này từ rất lâu và mỗi lần tiếp xúc các hiệp hội, DN, chúng tôi cũng đều thông báo cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, Sở Công thương đang chủ trì, tham mưu UBND tỉnh bộ tiêu chí để xác định các DN phải thực hiện di dời, chuyển đổi công năng hoặc được tiếp tục thực hiện dự án. Thời gian hoàn thành việc xác định các DN phải di dời dự kiến vào năm 2024-2025”, bà Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở luôn xác định đề án phải có lộ trình, đưa ra các tiêu chí phù hợp, để DN sớm có phương án cụ thể để di dời hoặc chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển của tỉnh.
Bình Dương tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng “chuyển đổi công năng, di dời các dự án sản xuất công nghiệp vào các KCN, CCN nhằm phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN, CCN tại phía nam tỉnh trong diện thực hiện di dời
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị và được UBND tỉnh thống nhất về chủ trương cho gia hạn thời gian thuê nhà xưởng của các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN, CCN trên địa bàn phía nam của tỉnh (TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một) đến ngày 31-12-2025 đối với các dự án đáp ứng 2 điều kiện: Bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và nhà đầu tư phải có phương án cụ thể về việc di dời hoặc chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển của tỉnh. Từ đó, sở sẽ xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo thẩm quyền đối với nội dung đề nghị gia hạn thời gian thuê nhà xưởng của các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN, CCN trên địa bàn phía nam của tỉnh.
NGỌC THANH