Di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường: Tiến độ chậm chạp!

Thứ sáu, ngày 18/04/2014

 Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, môi trường của tỉnh Bình Dương cũng bị ô nhiễm nặng nề. Với mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và áp dụng biện pháp quyết liệt để di dời doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm môi trường (ONMT) ra khỏi khu dân cư, đô thị.

Một số DN chưa tỏ rõ thành ý

Năm 2013, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện 2 đợt kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn 33 DN trong diện di dời thực hiện đúng chủ trương và tiến độ với kỳ hạn cuối của đợt 1 là tháng 6-2013 và đợt 2 vào tháng 7- 2013. Theo kế hoạch, Sở TN-MT có trách nhiệm tổ chức cho các cơ sở tiếp xúc với chủ đầu tư các KCN Bàu Bàng, Đất Cuốc, Rạch Bắp để chọn vị trí tái đầu tư trong các KCN. Sở TN-MT có trách nhiệm giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các DN và xét duyệt kinh phí di dời, chấm dứt hoạt động của các DN này.

   Chế biến ván sàn bằng thiết bị hiện đại tại Công ty TNHH Kim Thành A (TX.Thuận An) - một công ty tư nhân áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn để bảo vệ môi trường Ảnh: B. ANH

Đã có một số DN gương mẫu trong việc di dời. Nổi bật có Công ty Tam Việt tự khắc phục ONMT và được đưa ra khỏi danh sách di dời. Đến nay, các DN đã hoàn tất di dời như Chi nhánh Mỹ Hảo của Công ty Phương Hạnh, chi nhánh Công ty Gỗ Hồng Tín, Công ty Thiên Thai. Đã có 13 DN tự chấm dứt hoạt động như Công ty Kim Sơn, Công ty May in Viet Lee, Công ty Ánh Dương, Quỳnh Ngọc, Thép Việt Tiến, DN Hợp Gia, chế biến gỗ Sơn Thành... Các công ty Trường Giang, Phúc Bình Long chuyển đổi hoạt động sang ngành nghề thân thiện với môi trường và bước đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.

Bên cạnh các DN gương mẫu trong việc khắc phục ONMT và di dời, một số DN lại chưa có động thái nào, dù đã quá hạn quy định gần 1 năm. Theo báo cáo của Sở TN-MT, Công ty CP Giấy An Bình được gia hạn đến 2015 sẽ di dời về KCN Bàu Bàng. Một số DN đang chuẩn bị di dời như Công ty TNHH Hương Việt, Khóa kéo Hoàn Mỹ. Có 5 đơn vị đã xây dựng kế hoạch di dời nhưng khó đạt đúng tiến độ là Trại heo 2/9 (Công ty MTV Vifaco), các cơ sở Đông Phương, Hồ Hữu Nhược, DNTN Vỹ Đương, Công ty TNHH May mặc Lucretia.

Nổi cộm và đáng lo ngại nhất là một số cơ sở vẫn chưa xây dựng kế hoạch di dời như Công ty Hòa Phương, Công ty TNHH Đồng Sơn, Công ty TNHH SXTM Bình Phú mặc dù được nhắc nhở rất nhiều lần.

Vốn hỗ trợ chưa đến tay DN

Qua tìm hiểu, được biết các DN chưa di dời và cũng chưa khắc phục ONMT là do… không có vốn. Mặc dù, tổng dự toán ngân sách ưu tiên dành cho kế hoạch này lên đến 15 tỷ đồng, nhưng sau gần một năm thực hiện kế hoạch di dời, chỉ có 2 đơn vị Toàn Thịnh và Trường Giang được hỗ trợ với số tiền 338 triệu đồng (chiếm gần 2,3% tổng dự toán). Hầu hết các DN do thua lỗ nhiều năm liền nên không được hưởng chính sách hỗ trợ 30% thu nhập sau thuế. Bên cạnh còn do các DN không đóng bảo hiểm xã hội nên cũng không được nhận tiền hỗ trợ công nhân nghỉ việc. Đa số DN thuê đất nông nghiệp, xây dựng trái phép, chiếu theo chính sách hỗ trợ, hầu như các DN này không được hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di dời.

Đã khó khăn do không đủ cơ sở pháp lý để nhận tiền hỗ trợ, đa số cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ, dở sống dở chết do suy thoái kinh tế nên khi nằm trong diện di dời, đa số không huy động được vốn để đầu tư tái sản xuất, kinh doanh ở địa điểm mới. Mặt khác các KCN chỉ cho thuê đất với diện tích lớn và giá cao, trong khi các DN này chỉ thuê diện tích nhỏ (từ 1.000 -5.000m2) và cần giá rẻ. Hơn nữa, các KCN quy hoạch làm điểm đến của các DN là Bàu Bàng, Đất Cuốc, Rạch Bắp lại khá xa vị trí cũ, các cơ sở ngán ngại gia tăng chi phí sản xuất nên cũng không khả thi.

Hầu hết các DN cho biết rất cần vốn để thuê mướn địa điểm mới, di dời nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ, tuyển dụng lao động mới... nhưng không vay được vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp, hoặc có thì đã sử dụng cho cơ sở cũ. (còn tiếp)

- Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG: Kiên quyết di dời trên cơ sở hỗ trợ

Đối với các cơ sở cố tình trì hoãn không xây dựng kế hoạch di dời và triển khai di dời theo thời gian quy định, UBND tỉnh thống nhất không gia hạn thời gian di dời và triển khai các biện pháp xử lý kiên quyết (đình chỉ hoạt động) theo quy định của pháp luật. Đối với các DN tự chấm dứt hoạt động, đưa ra khỏi danh sách, thống nhất không cần hỗ trợ. Đối với các DN xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ không giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên nếu các DN được cấp chủ trương đầu tư hoặc cấp phép xây dựng thì cần xem xét giải quyết cho phù hợp theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh giao Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Dương, Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh xem xét tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở thuộc diện di dời tiếp cận được vốn vay, phục vụ cho công tác di dời, tái đầu tư tại cơ sở mới.

 - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TRẦN THANH QUANG: Thiếu cơ sở pháp lý nên không giải ngân hỗ trợ được

Do thiếu các cơ sở pháp lý nên đến nay chỉ giải ngân được cho 2 DN với số tiền 338 triệu đồng (chiếm 2,3% tổng dự toán hỗ trợ). Và cũng do thiếu các cơ sở pháp lý liên quan đến việc cưỡng chế, nên chúng tôi chỉ có thể vận động, hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở chấp hành việc di dời chứ không thể cưỡng chế họ.

- Giám đốc Công ty TNHH Trường Giang (TX.Dĩ An) BÙI THỊ THANH HOÀI: Yên tâm bởi được hỗ trợ chi phí

Do xây dựng nhà xưởng công ty trái phép trên đất nông nghiệp, lại là đất của cá nhân nên công ty chúng tôi không nhận được kinh phí hỗ trợ di dời. Dù vậy, chúng tôi thấy rất mừng vì đã ngưng hoạt động sớm bởi hầu hết các DN trong ngành luyện, cán sắt thép gặp nhiều khó khăn. Ngưng hoạt động đúng lúc, vừa trả lại sự trong lành cho môi trường, vừa còn vốn tích lũy. Sau gần 10 năm làm nghề, chúng tôi chuyển sang kinh doanh nhà hàng và nhà trọ rất thuận lợi, hiệu quả. Hơn 20 công nhân của chúng tôi được hỗ trợ nghỉ việc từ 4 - 5 triệu đồng/ người nhờ tôi đã đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân trong suốt thời gian hơn 5 năm.

 

 BẢO ANH