Di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường: Cần những biện pháp mạnh hơn!

Thứ bảy, ngày 19/04/2014

Kỳ 2: Cần những biện pháp mạnh hơn!

 Bằng những chủ trương và chính sách đúng đắn, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhưng do tình trạng hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ nên tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) ở các khu công nghiệp (KCN) cũng như cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, đô thị vẫn là vấn đề “đau đầu” của địa phương hiện nay.

   Dây chuyền sản xuất nông dược hiện đại, khép kín ở Công ty OCI đáp ứng tốt các tiêu chí bảo vệ môi trườn. Ảnh: B.ANH

Một số điểm nóng đã “hạ nhiệt”

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với các sở, ngành tiến hành kiểm tra, giám sát xử lý những “điểm nóng” ONMT theo phản ánh của cử tri. Tại TX.Dĩ An, địa bàn được đánh giá là “nóng nhất” về ô nhiễm, qua kiểm tra, nhắc nhở, Công ty TNHH Sản xuất nhôm Tiger Alwin (KCN Sóng Thần 2) đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải cho lò nấu chảy nhôm đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Đài hỏa táng Bình Dương (Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ công cộng nghĩa trang Dĩ An) tại phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An cũng đã hoàn thành việc cải tạo các lò hỏa táng, xử lý hoa tươi.

Cũng nhờ Sở TN&MT kiểm tra, nhắc nhở, Công ty Gia Bảo sản xuất mút xốp (xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên) đã cải tạo lại hệ thống thoát nước mưa và nước thải, bê tông hóa toàn bộ chân tường rào, không còn tình trạng nước chảy ra đường giao thông nông thôn và nhà dân. Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến (phường Tân Định, TX.Bến Cát) đã cải tạo thay bể lắng bằng bể tuyển nổi, nuôi cấy lại vi sinh để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải, xây dựng máng đo lưu lượng và điểm quan trắc theo đúng quy định. Công ty TNHH Giấy Kraft Vina cũng đã xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý khí thải giảm thiểu mùi hôi từ các bể xử lý sinh học, không còn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Nhưng một số điểm ngày càng “nóng”

Muộn vẫn còn hơn không, thật đáng quý thành ý khắc phục ô nhiễm, trả lại sự trong sạch môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp nêu trên. Song bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều điểm nóng ngày càng “nóng” hơn. Theo báo cáo của Sở TN&MT, Công ty TNHH Nan Pao Resin Việt Nam (sản xuất keo và bột sơn tĩnh điện), Công ty TNHH Tung Shin (sản xuất nhôm định hình), Công ty TNHH Quốc tế Wimbledon, sản xuất ghế văn phòng (cùng ở KCN Sóng Thần 2), dù được kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần, đến nay, Công ty Nan Pao Resin Việt Nam vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn. Còn Công ty Tung Shin đã không vận hành hệ thống xử lý khí thải từ bể tẩy dầu mỡ và xi mạ. Đến nay, dù đã cải tạo lại công trình xử lý khí thải, nhưng vẫn còn một phần khí thải và bụi phát tán trực tiếp ra môi trường. Công ty Quốc tế Wimbledon, sau xử lý, khí thải ra môi trường vẫn còn vượt quy chuẩn. Cũng tại TX. Dĩ An, Trung tâm Nghiên cứu huấn luyện chăn nuôi Bình Thắng, dù kiểm tra, xử lý ONMT nhiều lần, nước thải sau xử lý vẫn còn vượt quy chuẩn môi trường trên 2 lần.

Các Công ty TNHH Thuộc da Hồng Phúc, Công ty TNHH Thuộc da Yi Sheng và Công ty TNHH Kỹ nghệ sinh hóa Việt Khang (KCN Việt Hương II, TX.Bến Cát) không thực hiện đúng cam kết về môi trường. Tại huyện Dầu Tiếng, Công ty TNHH Gana chăn nuôi heo ở xã Long Tân, Nhà máy mủ cao su (Công ty TNHH Cao su Minh Tân) cũng là những điểm nóng bị đưa vào danh sách cơ sở gây ONMT nghiêm trọng nhiều năm liền.

Đến lúc sử dụng những biện pháp mạnh

Trong thời gian qua, ngành TN&MT, Cảnh sát môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh, các cấp chính quyền địa phương đã tích cực đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về BVMT, góp phần khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và hủy hoại TNMT trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 1.541 đơn vị, xử phạt 721 đơn vị với số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Trong quá trình đó cũng phải kể đến sự hợp tác trách nhiệm của các DN, chủ đầu tư các KCN. Tuy nhiên, cũng còn một số DN bất hợp tác và ngày càng “đen” hơn. Theo ông Trần Thanh Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT: “Công tác BVMT hiện còn nhiều khó khăn, các hình thức xửphạt nghiêm khắc như đóng cửa sản xuất, ngưng cung cấp nước sạch, ngưng cung cấp điện, không cho thoát nước thải… chưa được thực hiện. Các DN gây ONMT đã lợi dụng các yếu tố “nhạy cảm” và tái phạm nhiều lần!”.

Thực tế cho thấy hiệu lực quản lý nhà nước về BVMT của các ngành chức năng ở Bình Dương hiện nay vẫn chưa cao. Thiết nghĩ, khi mà cái “tâm” của DN, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của một số cơ sở sản xuất công nghiệp ngày càng kém, thì các biện pháp xử lý nghiêm khắc cần phải được áp dụng.

 

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NAM: Đầu tư nhiều hơn cho công tác kiểm soát

Để công tác BVMT được thuận lợi và phát huy hiệu lực, hiệu quả, Bình Dương kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT được đầy đủ, rõ ràng. Trong đó, cần ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm, sản xuất các sản phẩm xanh, khống chế ONMT. Đồng thời tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cao cho ngành TN&MT để giúp cho công tác kiểm soát ô nhiễm, xác định vi phạm môi trường được thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

- Chủ tịch UBND TX.Dĩ An LÊ VĂN HOÀNG: Cần theo dõi sát và có biện pháp kiên quyết hơn

Do Dĩ An phát triển CN khi chưa có quy hoạch nên ONMT ở đây rất nặng nề. TX.Dĩ An đã và đang tích cực khống chế ô nhiễm, BVMT. 17 cơ sở trong danh sách di dời đợt 2-2013 của tỉnh đều nằm ở Dĩ An. Sau thời gian tích cực phối hợp, đã di dời 10 DN ra khỏi khu dân cư, đô thị. Hiện còn 7 DN đang khẩn trương di dời. Chúng tôi thấy hiện tại các KCN tuy đã có máy quan trắc tự động, nhưng một số DN lại có hệ thống “ngầm” rất tinh vi. Thời gian tới, ngành chức năng cần kết hợp với địa phương theo dõi liên tục các điểm nóng và có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để hơn.

- Chi cục trưởng Chi cục BVMT TÀO MẠNH QUÂN: Nhân rộng điển hình các DN “xanh”

UBND tỉnh đã có quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp nhạy cảm với môi trường ở các KCN phía Bắc, quy định trao giải thưởng môi trường cho các DN trong danh sách “xanh”, tăng cường kiểm tra, xử lý các DN trong danh sách “đen”. Có thể nói, dù rất cố gắng, chúng tôi vẫn chưa kiểm soát hết các nguồn xả thải, kể cả khâu xử lý của DN, khiến ONMT ngày càng bức xúc. Vì vậy, chúng tôi đang lập báo cáo cụ thể tình hình ONMT nhằm đưa ra phương hướng xử lý, khắc phục ô nhiễm đúng trọng tâm hơn, nhân rộng các điển hình “xanh”, “xanh hóa” các DN “đen”.

 BẢO ANH