Di chúc miệng

Thứ hai, ngày 16/11/2015

Hỏi: Trường hợp người bệnh đang hấp hối và trăn trối chỉ định người thừa kế tài sản của mình; việc trăn trối có hai người làm chứng ghi chép; người lập di chúc và người làm chứng đều có ký tên và điểm chỉ trong văn bản được ghi chép. Vậy di chúc đó đã hợp pháp hay chưa hay cần làm thêm thủ tục gì nữa?

LÊ THỊ BA (Phú Giáo)

Trả lời: Trường hợp này được xem là di chúc miệng theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự (BLDS): Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng được lập mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 652 bộ luật này thì: Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Do vậy, di chúc miệng chỉ hợp pháp khi đã được công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc thể hiện ý chí cuối cùng.

Giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt

Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt?

(BDO) NGUYỄN ĐỨC (TP.TDM)

Trả lời: Giao kết hợp đồng dân sự được hiểu là việc các bên bày tỏ và thống nhất ý chí với nhau dưới hình thức lời nói, văn bản hoặc hình thức khác theo những nguyên tắc và trình tự nhất định nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự với nhau trong hợp đồng dân sự.

Ngày nay có rất nhiều hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài được giao kết mà các bên không trực tiếp gặp gỡ mà thông qua phương tiện điện thoại, điện tín, fax… để xác lập hợp đồng. Đó được coi là giao kết là hợp đồng dân sự vắng mặt.

Giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt được quy định tại Điều 771 Bộ luật Dân sự như sau: Trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết hợp đồng.

Thời điểm giao kết hợp đồng vắng mặt được xác định theo pháp luật nước sở tại của bên đề nghị giao kết hợp đồng nếu bên này nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị giao kết hợp đồng.

Luật gia XUÂN LẠC