Di chúc của Bác và tư tưởng giải phóng phụ nữ
Vượt lên các nhà cách mạng cùng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ ở nước ta. Trong Di chúc để lại, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
(BDO)
Trong Di chúc Bác căn dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch bồi dưỡng và giúp đỡ phụ nữ. Trong ảnh: Hội viên Hội Phụ nữ tỉnh trong cuộc thi Chi Hội trưởng giỏi Ảnh: THU THẢO
Ngay từ rất sớm Bác luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Người xác định rõ, bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do chế độ kinh tế - xã hội. Bác kêu gọi và “Thực hiện nam nữ bình quyền”, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong Di chúc, Bác vừa ghi nhận công lao của phụ nữ trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập, vừa căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực và bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”; đồng thời chỉ rõ: “Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho Phụ nữ”.
Tư tưởng phong kiến vốn nhiều luật lệ hà khắc, nô dịch, khống chế mọi quyền tự do và bình đẳng của phụ nữ. Hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chế độ thuộc địa đưa việc học văn minh phương Tây vào cũng chỉ nhằm đào tạo một lớp tay sai phục vụ thực dân, nhãn hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” không mang lại cho phụ nữ sự tiến bộ nào hơn ngoài đẩy một bộ phận phụ nữ Việt Nam phải rời khỏi gia đình gia nhập đội quân lao động ở các xưởng máy hay những đồn điền cao su tăm tối, bị bóc lột, chà đạp nhân phẩm, thậm chí số ít bị tha hóa với sự gia tăng các tệ nạn xã hội.
Dẫn lời Các Mác, Bác viết rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?”. Dẫn lời Lênin Bác viết: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Người không chỉ thấy cần thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi bất công mà còn nhìn ra sức mạnh tiềm tàng ở chính trong phụ nữ: “Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân; trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 Bác đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới, quốc dân và đồng bào “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và ngày 6-1- 1946, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc đều đã “phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín” để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính Quốc hội đã soạn thảo, thông qua Hiến pháp năm 1946. Cũng từ đó, phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân.
Bác xác định: “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi”. Người còn nói: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân”. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Bác cũng lên án những hành vi bạo hành trong gia đình. Để chống bạo hành, ngược đãi, thật sự bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, Bác hướng dẫn: Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy. Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra. Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Bác còn yêu cầu: “Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa đổi, thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh”, “những hành vi trái với luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật”. Nói về sự thủy chung, phê phán hành vi “được cá quên nơm, được trăng quên đèn”, về sự bội bạc thay đen, đổi trắng: “Bác nghe nói có cháu trước khi vào đại học đã có người yêu hoặc đã có vợ, nhưng khi “thành tài” rồi lại chê người cũ. Như thế là không có đạo đức, làm sao trở thành cán bộ tốt được!”…
Từ thực tiễn hoạt động và căn dặn trong Di chúc, Bác Hồđãkhẳng định rằng sựtiến bộcủa nền kinh tế, văn hóa, xãhội làtiền đềbức thiết đểđi tới giải phóng triệt đểphụnữ, điều đó cũng có nghĩa sựnghiệp giải phóng phụnữkhông thểtách rời mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh.
(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)