Dệt may Bình Dương: Những tín hiệu vui

Thứ sáu, ngày 23/01/2015

(BDO)  Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán ba Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và sẽ chính thức ký kết trong đầu năm 2015. Đặc biệt, Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEC) thành lập vào năm 2015 sẽ hình thành một sân chơi mới cho các nước trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

 

Năm 2015 có nhiều cơ hội để ngành dệt may bứt phá. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất may mặc tại Công ty Đại Tây Dương, Khu công nghiệp Đồng An (TX.Thuận An) Ảnh: P.LÊ

 Nhiều cơ hội

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Dương cho biết, vừa qua Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan đã kết thúc đàm phán FTA, chuẩn bị ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan. Điều này mở ra cơ hội cho hàng dệt may của Việt Nam nói chung và ngành dệt may ở Bình Dương nói riêng vào 3 thị trường này rất thuận lợi. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang vào giai đoạn nước rút, có tiến triển tốt. Hy vọng năm 2015 sẽ kết thúc đàm phán TPP, bởi ưu đãi về thuế do hiệp định này mang lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ khi thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ sẽ giảm dần xuống 0%.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An) cho biết, khi FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ có lợi cho DN. EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng dệt may, da giày. “Sản phẩm của công ty là chuyên về quần Jean, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Đức. Khi hiệp định này được ký kết, các khách hàng bên Đức không phải chịu về thuế, lúc đó họ có thể tăng đơn giá sản phẩm cho các DN như chúng tôi. Bên cạnh đó, khi TPP được ký kết, hàng may mặc của Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ được miễn thuế, giúp giảm chi phí cho DN. Hiện nay, 1/3 sản phẩm của công ty xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chúng tôi cũng như các DN trong cả nước đều đang rất mong chờ hiệp định được ký kết”, ông Minh nói.

Ông Phạm Tuấn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Bình Dương, Giám đốc ICD TBS thì cho rằng, khi TPP, FTA được ký kết sẽ tạo nhiều cơ hội xuất khẩu cho DN ở Bình Dương nói riêng và DN Việt Nam nói chung, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của DN phát triển.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may đang có đà tăng trưởng và bứt phá ngoạn mục nhờ các FTA đã và sắp ký kết. Thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0% là cơ hội lớn để các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới. Đây chính là sức hút để các nhà nhập khẩu từ các quốc gia khác chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam.

Đơn hàng tăng

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công thương cho biết, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của Bình Dương ước đạt 2 tỷ 30 triệu đô-la Mỹ, tăng 18,1% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao. Do ảnh hưởng việc đàm phán ký kết TPP, lượng đơn hàng xuất khẩu năm 2014 tăng khá, nhiều DN lớn đã có hợp đồng ổn định đến hết quý I-2015. Nguyên liệu nhập khẩu nhìn chung ổn định, một số mặt hàng vải và bông nhập khẩu giảm nhẹ từ 1 - 3% so với cùng kỳ năm 2014.

 Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

“Với việc chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu, khối DN đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu dệt may. Như vậy, cùng với dư địa phát triển lớn đến từ thị trường thế giới, ngành dệt may có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2015”.

Theo ông Lê Hồng Phoa, năm 2015, hầu hết DN ở Bình Dương có đơn hàng khá ổn định; cùng những đơn hàng dồi dào và phong phú từ các hiệp định mang lại, khách hàng có xu hướng không thay đổi DN, theo mặt hàng cũ do DN sản xuất giao hàng đúng hợp đồng, đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Đa số DN hiện nay đã ký hợp đồng hết quý II-2015. Quý III vào đúng mùa dệt may nên chắc chắn số lượng đơn hàng sẽ nhiều hơn, DN thuận lợi hơn nữa. Doanh thu mỗi DN trong năm nay ước sẽ tăng từ 5 - 10% so với năm 2014.

Ông Phoa cho biết thêm, năm 2015, đơn hàng của Công ty TNHH MTV Bình Dương đã có hết cả năm. Các đơn hàng của công ty được ký hợp đồng trước 1 - 2 tháng. Sản phẩm của công ty tập trung vào thị trường trung cao cấp nên được khách hàng đánh giá cao về chất lượng cũng như dịch vụ. Công ty dự tính doanh thu trong tháng 1-2015 đạt khoảng 5 triệu đô-la Mỹ. Trong năm 2015, với những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, cùng với các đơn hàng đã có, công ty phấn đấu vượt kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra khoảng 5%.

Còn ông Võ Văn Minh cũng phấn khởi cho biết, năm 2015, đơn hàng của công ty đã ký hết năm. Do sản xuất sản phẩm của công ty mang tính thời trang nên công ty chỉ ký đến quý II, còn hợp đồng các quý khác công ty ký và sản xuất sản phẩm theo yêu cầu khách hàng khi thị trường có thay đổi kiểu sản phẩm khác. Hiện nay, bình quân một tháng công ty xuất khẩu được 60.000 sản phẩm. Ước doanh thu năm 2015 đạt hơn 2 triệu đô-la Mỹ, bảo đảm lợi nhuận khá.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế từ các hiệp định được ký kết, bên cạnh cơ hội là những thách thức đòi hỏi DN trong ngành cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Lê Hồng Phoa cho rằng, DN trong ngành dệt may cần bứt phá để tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may thế giới. Một trong những thách thức là khi bán sản phẩm dệt may ra thị trường, các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu và nhà cung ứng sản xuất phải đáp ứng các quy định pháp lý của quốc gia nhập khẩu như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường…

Để có thể tận dụng được cơ hội đó, theo các chuyên gia, ngành dệt may cần phải tăng tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế, nguyên phụ liệu, may, phân phối và phải cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi. Ngoài ra, DN cần chú trọng thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Võ Văn Minh chia sẻ, hiện nay công ty đã thực hiện nâng lương căn bản lên từ 10 - 15% theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, để thu hút nguồn lao động, dịp nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới công ty tiếp tục thưởng lương tháng thứ 13 cho công nhân và hỗ trợ 1 triệu đồng tiền tàu xe cho những ai về quê ăn tết.

 PHƯƠNG LÊ