Đến với Trường Sa thân yêu- Bài 4

Thứ năm, ngày 26/05/2022

(BDO) Bài 3: Viết tiếp bài ca người lính biển

Bài 4: “Không xa đâu Trường Sa…”

Trong chuyến đi công tác Trường Sa lần này, ngoài những phần quà thiết thực về vật chất, đoàn công tác số 7 cũng như đoàn công tác tỉnh Bình Dương còn tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân và nhân dân đất liền tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/12 (Tư Chính).

Sức mạnh từ đất liền

Mỗi khi bước chân lên đảo, tôi thường chạy dạo quanh một vòng trụ sở, khu vực sân..., hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ về những hoạt động chung. Tại đảo Thuyền Chài B, tình cờ gặp chị Trần Thị Thái, thành viên đoàn công tác của Bộ Nội vụ đang loay hoay bên những chậu cây do cán bộ, chiến sĩ trồng trên đảo. Tò mò về hành động này tôi tiến lại tìm hiểu. Chị Thái chia sẻ, trong chuyến công tác lần này của đoàn Bộ Nội vụ, ngoài những phần quà ý nghĩa thiết thực, các thành viên trong đoàn còn mong muốn được làm một việc có ý nghĩa mang tính biểu trưng để thể hiện tình cảm thiết tha của đất liền đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, trong hành trang mang theo, ngoài những vật dụng cá nhân, các thành viên trong đoàn còn mang một ít đất ở đất liền bỏ vào túi bóng được gói bọc cẩn thận.

Các thành viên đoàn công tác tỉnh Bình Dương trồng cây xanh trên đảo Trường Sa Lớn

Đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần này, những phần quà về vật chất thiết thực được các đoàn công tác chuẩn bị rất chu đáo, công phu và trang trọng. Trong đó, đoàn công tác tỉnh Bình Dương còn mang theo cả cây xanh (cây bàng vuông) từ đất liền ra trồng trên đảo. Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng đoàn công tác, cho biết việc đoàn mang cây xanh ra trồng ở Trường Sa còn để thể hiện thông điệp giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Nếu như ở những đảo có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Trường Sa, nắng nóng, đất đai khô cằn mà chúng ta có thể xanh hóa thì đó cũng là cách gửi thông điệp xây dựng Trường Sa phát triển vững mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày một hùng cường hơn. Đảo không còn xa, không còn khô cằn. Tất cả đều được khoác lên màu xanh của sự sống mãnh liệt, màu xanh của niềm tin bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây đang ngày đêm thực hiện”, ông Nguyễn Lộc Hà chia sẻ.

Còn với đoàn công tác Học viện An ninh nhân dân, trong chuyến công tác này, Ban Giám đốc học viện đã chỉ đạo Đoàn thanh niên của đơn vị xây dựng kế hoạch phát động phong trào “Sinh viên Học viện An ninh nhân dân viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa”. Trong đó, các bức thư của sinh viên học viện đã thể hiện tình cảm yêu thương dạt dào với biển đảo quê hương, gửi đến các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, đầu sóng ngọn gió niềm tin sắt son…

Phong trào đã được tổ chức bài bản, quy mô và được sinh viên hưởng ứng cao với hơn 1.500 bức thư và hơn 30 bài thơ của sinh viên các hệ đang học tập tại học viện. Học viện đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn những bức thư, bài thơ hay nhất, ý nghĩa nhất đóng thành 11 cuốn sách thư gửi đến cán bộ, chiến sĩ công tác tại 11 điểm, đảo mà đoàn công tác số 7 đến thăm.

Nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trao đổi với tôi, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, cho biết qua phong trào viết thư gửi đến Trường Sa nhằm giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là cách chuyển tải những thông điệp, tình cảm của sinh viên Học viện An ninh nhân dân đến với các cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Những bức thư gửi đến các cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa mang nặng niềm tin, gửi gắm những tình cảm đối với biển đảo của Tổ quốc nói chung và Trường Sa thân yêu nói riêng; đồng thời chia sẻ, cảm phục những khó khăn, vất vả của các cán bộ và chiến sĩ ngày đêm đang canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, qua những bức thư còn thể hiện sự “chung sức - đồng lòng” của thế hệ trẻ công an nhân dân nói chung và Học viện An ninh nhân dân nói riêng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đây chỉ là một hoạt động nhỏ của đoàn Bộ Công an trong đoàn công tác lần này nhưng có giá trị hết sức ý nghĩa, có giá trị to lớn về tinh thần. Bởi thực tế, khi thăm, làm việc trên điểm đảo thì bên cạnh những khó khăn về vật chất, cán bộ chiến sĩ còn có những khó khăn về mặt tinh thần. Những bức thư thực sự là món ăn tinh thần, sự kết nối của những người đồng chí chưa từng gặp mặt nhưng chung một nhiệm vụ cao cả, đó là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hy vọng rằng phong trào này sẽ được lan tỏa rộng khắp không chỉ trong lực lượng công an nhân dân mà còn lan tỏa ra các bộ, ban, ngành và đồng bào cả nước thời gian tới. Qua đó, thể hiện tình cảm của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong đất liền với biển đảo quê hương, với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ chia sẻ.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Phó đoàn công tác Bộ Nội vụ, cho biết trong thời gian qua, cán bộ công chức của Bộ Nội vụ đã tích cực hưởng ứng các phong trào vì biển đảo quê hương do bộ phát động bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, trực tiếp, đến thăm và tặng quà cho quân dân, đóng góp xây dựng những công trình... cho huyện đảo Trường Sa. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc bộ như Vụ Tiền lương, công chức - viên chức, cải cách hành chính... luôn chủ động tham mưu triển khai thực hiện các chế độ chính sách để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng hải quân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở các đảo, quần đảo của Tổ quốc ta. Đặc biệt, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã chủ động phối hợp với Tổng Cục chính trị (Bộ Quốc phòng), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các buổi triển lãm những tài liệu lưu trữ, Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn, trong đó có ghi các chỉ dụ thể hiện chủ quyền, quản lý, khai thác, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của đất nước ta. Trong thời gian tới, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 35 năm trận chiến Gạc Ma, cục sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Cục chính trị, quân chủng hải quân, Vùng 4 hải quân và một số cơ quan có liên quan khác để tổ chức trưng bày triển lãm khối tài liệu rất quý giá về chủ quyền biển đảo của đất nước ta đang được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước gìn giữ và bảo quản; trong đó có những Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn thể hiện chủ quyền biển đảo của đất nước ta từ thế kỷ 18.

“Trong chuyến công tác này, ngoài các hoạt động ý nghĩa thiết thực thể hiện tình cảm thiêng liêng của cán bộ, công chức hướng về biển đảo, đoàn Bộ Nội vụ cũng mang theo một số Châu bản triều Nguyễn để tặng cho các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa trưng bày ở phòng truyền thống. Qua đó, góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và niềm tin vào chính nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”, ông Đặng Thanh Tùng cho hay.

Đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần này, những phần quà về vật chất thiết thực được các đoàn công tác chuẩn bị rất chu đáo, công phu và trang trọng. Trong đó, đoàn công tác tỉnh Bình Dương còn mang theo cả cây xanh (cây bàng vuông) từ đất liền ra trồng trên đảo. Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng đoàn công tác, cho biết việc đoàn mang cây xanh ra trồng ở Trường Sa còn để thể hiện thông điệp giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

ĐỖ TRỌNG

Từ khóa: