Đèn trung thu năm cũ…

Thứ bảy, ngày 16/09/2017

(BDO) Thằng bé Tâm bị mẹ phạt không cho ăn bánh, rước đèn. Nó buồn bã ngồi một góc nhìn hơn chục đứa trẻ còn lại vui đùa. Ui, mẹ là mẹ chung của cả nhà mở trong chùa Báo Ân này mà. Mẹ riêng gì của mình mà buồn… cho mệt! Giờ này mẹ thật mình đang làm gì ta?... Nó miên man nghĩ và tưởng tượng ra cảnh sẽ được mẹ đến đón về. Hai mẹ con sẽ xách lồng đèn đi dạo trong một bãi cỏ thật non, thật xanh…

Tâm là một đứa trẻ khoảng tám tuổi. Nó nghe kể lại rằng nó đến với chùa trong một buổi sáng mờ sương, khi mọi người còn đang ngon giấc. Cái tã nhàu nhĩ quấn lấy thân hình nó tím tái. Bên trong có một lá thư ghi đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ của mẹ nó. Tất nhiên tuyệt không có một dòng thông tin về ba nó. Thường là như thế, thôi, khỏi tính đi! Nó hay tặc lưỡi nghĩ như thế về những ông bố không trách nhiệm.

Mẹ Mười vẫn giữ cái tã này và mới trao lại cho mẹ ruột nó mấy tháng trước khi mẹ nó tới tìm con. Sau mấy màn khóc lóc, than thở, “xin lỗi xin liếc” (là nó tự nói câu này khi trốn đằng sau chánh điện ngôi chùa nghèo chứ không chịu gặp mẹ) mẹ nó lại ra đi. Đi khi vừa ôm nó được một cái. Đi khi nó vừa kịp ngửi thấy mùi mồ hôi trên lưng áo mẹ mà lẽ ra, nó phải được hít hà mỗi ngày khi mẹ ôm nó vào lòng.


Ảnh minh họa:
M.HIẾU

Nhưng, cuộc trùng phùng làm cho thằng bé thay đổi tính nết. Từ một đứa trẻ ngoan nhất nhì trong đám con chung của mẹ Mười, một phật tử phát nguyện trông coi mấy đứa trẻ mồ côi ở chùa Báo Ân thì nó trở nên phá phách, lầm lì. Như lúc nãy, đoàn từ thiện đến cho bánh, nó không chịu cảm ơn. Khi còn lại mấy đứa trẻ với nhau, nó đòi đổi lồng đèn của đứa này đứa khác. Khi mẹ Mười cắt bánh phát cho mỗi đứa, nó lại tranh giành và giật đổ cả mâm. Kết quả nó bị phạt nhưng vẫn lầm lì không chịu xin lỗi.

Ít ai hiểu được có một sự xáo trộn kịch liệt trong suy nghĩ, tâm lý của thằng bé. Trước, nó yên tâm rằng nó không có ba mẹ, không có gia đình. Mái chùa là nhà. Mẹ Mười là mẹ nó và những người tu hành, phật tử hay đến bên chơi cùng nó, cho bánh kẹo, quần áo là người thân. Nhưng khi mẹ nó xuất hiện, mọi chuyện thay đổi hẳn. Dù bên ngoài chưa chấp nhận mẹ nhưng nó ngầm vênh mặt lên với bạn bè. Rằng mình cũng có mẹ ruột, có gia đình hẳn hoi. Rằng mình sẽ ở đây một thời gian rồi mẹ sẽ đón mình về. Từ đó, nó không còn coi mình là một thành viên của ngôi nhà mở mà là một người khách, chỉ ở tạm…

Thế nhưng, ngày nó biết mẹ không thể đưa nó về tổ ấm riêng của mẹ với người cha dượng và đứa em nhỏ hơn nó vài tuổi thì mọi chuyện sụp đổ. Thằng bé Tâm lầm lì hết ngày này qua ngày khác. Thà rằng không có mẹ. Thà rằng mẹ nó đừng bao giờ tìm con, đừng khóc lóc với nó. Nó ngầm ganh tỵ với đứa em cùng mẹ khác cha rằng sao cũng là con mẹ mà con bé kia có được hạnh phúc ấm êm dường đó, nó thì không.

“Anh ơi, anh ơi…”. Có tiếng kêu nho nhỏ phía bên ngoài hàng rào ngôi chùa. Thằng bé nhìn ra. Một đứa trẻ đen nhẻm đang cầm cái lồng đèn ngoắc ngoắc tay gọi nó. Thằng Tâm leo hàng rào đi ra phía ngoài. Đã không cho mình ăn, chơi chung thì thôi chứ, đi luôn!

“Mày là… thằng nào vậy?”, thằng Tâm hỏi với ý dò xét. “Dạ, em là Hiền, năm ngoái anh cho em cái lồng đèn này nè. Anh không nhớ à? Em vẫn giữ đến năm nay bởi biết đâu hết… người cho! Em vừa bán vé số xong, anh em mình chơi chung nhé!”. Hóa ra là thằng bé bán vé số năm ngoái thập thò nơi cửa chùa. Thằng Tâm đã xin mẹ Mười cho thằng Hiền cái lồng đèn vì năm ngoái, nó có đến hai cái. Mẹ ruột và em nó đến chơi, cho một cái, nó đã cầm lấy nhưng khi nhìn thấy mặt đứa em gái hớn ha hớn hở, nó ghét, vứt cái lồng đèn mẹ nó cho vào một xó. Cái lồng đèn nó vứt bỏ, thằng Hiền nâng niu, giữ gìn từ năm ngoái đến giờ.

Hai đứa trẻ chơi tung tăng trên bãi cỏ. Thằng Tâm cười buồn khi nghĩ rằng, tưởng được rước đèn trung thu với mẹ nào ngờ là với “thằng bạn cũ bất đắc dĩ” này đây. Càng đi, chúng nó càng xa ngôi chùa nhỏ. Thằng Hiền nói chuyện già như một ông cụ. Thôi anh ơi, đừng buồn! Anh vậy mà sướng hơn em. Anh không phải lội bộ đi bán vé số. Anh không có ba để… bị đánh đập khi ba say xỉn. Anh không có mẹ để bị nhiếc mắng khi bán không hết vé số. Anh được ở tử tế, học tử tế… “Mày nhiều chuyện quá! Có ba mẹ vẫn hơn chứ!”. “Không hẳn đâu anh. Anh chưa biết… mặt trái của có ba mẹ đâu”. Thằng Tâm phì cười trước câu triết lý của thằng bé bán vé số.

“Anh về chùa đi, em phải về phòng trọ nếu không mẹ lại đánh đòn”. Thằng Hiền nói và thằng Tâm lại phẩy tay: “Mày về đi, kệ tao, lát tao về”…

Bãi cỏ non mướt vẫn mời gọi. Thằng Tâm chơi một mình chán, buồn mắt nằm ngủ hồi nào không hay, trong mơ thấy mẹ cùng nó mặc áo thật đẹp, xách lồng đèn cùng vui chơi, múa hát với chị Hằng, chú Cuội. Nó thích ăn uống gì cũng được, không ai la mắng hay tranh giành.

Có ai đó lay nó dậy. Mở mắt, nó thấy mẹ Mười và cả mẹ ruột nó đang ngồi bên cạnh. Mẹ ruột nó lại chỉ biết khóc. “Con ơi, tha lỗi cho mẹ”… Mẹ Mười nói nó thông cảm cho mẹ ruột và hãy về cùng mẹ Mười.

Thằng bé Tâm không nói gì. Nó đưa tay tìm cái lồng đèn năm cũ thằng bé Hiền tặng lại. Và nó thấy ấm áp khi có ánh mắt hai người mẹ dõi theo trên đường về…

 TRẦN QUỲNH NHƯ