Đến lượt Anh lùi bước trước Nhà lãnh đạo Gaddafi

Thứ ba, ngày 26/07/2011

Sau Pháp, đến lượt Anh nhượng bộ trước Tổng thống Muammar Gaddafi khi thừa nhận nhà lãnh đạo này có thể ở lại đất nước Libya nếu chịu từ bỏ quyền lực và chọn con đường nghỉ hưu êm ả.

Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua (25-7) đã lần đầu tiên tuyên bố nước này có thể đồng ý “cắt ngắn” cuộc chiến tranh bằng việc cho phép ông Gaddafi ở lại Libya trước khi hành động quân sự có thể buộc ông này phải đi sống lưu vong.

Chính phủ Anh đã buộc phải áp dụng một lập trường mới sau khi cả Pháp và phe nổi dậy Libya công khai lên tiếng gợi ý ông Gaddafi có thể sống trong nước nếu chịu từ chức.

 Ngoại trưởng Anh William Hague

Một thỏa thuận cho phép Tổng thống Gaddafi chọn lối thoát sống trong nước sẽ giúp ông này trốn tránh được những cáo buộc về tội ác chiến tranh mà Tòa án Hình sự Quốc tế đang nhằm vào ông.

Ngoại trưởng Hague cho biết, Anh sẽ ủng hộ bất kỳ giải pháp nào mà hai phe của Libya đạt được.

"Chuyện gì sẽ xảy ra với ông Gaddafi hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người dân Libya. Chúng tôi tin rằng, cách tốt nhất để người dân Libya không còn phải sống trong nỗi sợ ông Gaddafi là ông này phải rời khỏi Libya. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra, ông Gaddafi cũng phải từ chức", Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh.

Trước đó, ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC), đã phát biểu trên tờ Nhật báo Phố Wall rằng, Nhà lãnh đạo Gaddafi và gia đình của ông này có thể ở lại đất nước miễn là giới lãnh đạo phe nổi dậy có thể kiểm soát được ông.

"Ông Gaddafi có thể ở lại Libya nhưng phải kèm theo những điều kiện. Chúng tôi sẽ quyết định nơi ông ấy ở và ai sẽ giám sát ông ấy. Những điều kiện tương tự cũng sẽ được áp dụng với các thành viên gia đình ông Gaddafi", ông Jalil cho biết.

Những phát biểu trên của ông Jalil được đưa ra sau tuyên bố tương tự của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe hồi tuần trước. Hôm qua, ông Juppe lại tái khẳng định sẵn sàng tuân theo quyết định của Libya về việc ông Gaddafi được sống ở trong hay bên ngoài đất nước Bắc Phi này.

Anh và Pháp là hai nước đi đầu trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya. Trong suốt thời gian qua, hai nước này cũng luôn tỏ thái độ cứng rắn khi khẳng định, sự ra đi của ông Gaddafi là điều không cần phải bàn cãi và tương lai của Libya là không có Gaddafi.

Tuy nhiên, sự thất bại trong chiến dịch quân sự của NATO đã buộc các nước phải tìm kiếm một giải pháp mang tính thỏa hiệp. Việc Pháp rồi đến Anh lần lượt tuyên bố đồng ý để ông Gaddafi ở lại Libya là một trong những bước thỏa hiệp của họ trước ông Gaddafi.

Theo Telegraph, AFP