ĐÊM 11-4-1975: Tập kích bót An Lợi, xã Hòa Lợi

Thứ bảy, ngày 11/04/2015

(BDO) NGÀY 11-4-1975:

Chiến trận ở Xuân Lộc diễn ra ác liệt

Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 tiến công chỉ huy sở Sư đoàn 18 ngụy tại Xuân Lộc (tháng 4-1975) Ảnh tư liệu

Tại mặt trận phía đông Sài Gòn, trận Xuân Lộc vẫn diễn ra quyết liệt. Quân ngụy huy động mức cao nhất lực lượng không quân còn lại vào Xuân Lộc. Nhưng các sư đoàn của Binh đoàn Cửu Long của ta đã liên tục tiến công diệt nhiều mục tiêu quan trọng, bẻ gãy nhiều đợt phản kích, gây tổn thất nặng nề cho Trung đoàn 43 ngụy, đè bẹp ý chí “tử thủ” đến cùng của chúng.

Quân ủy và Trung ương Cục đã cho một bộ phận lớn lực lượng cắt lộ 15 (Long Bình - Bà Rịa), khống chế sông Lòng Tàu và sân bay Biên Hòa không cho không quân địch cất cánh, kéo địch ra hướng này và giữ địch ở đây cho đến khi chiến dịch tiến công Sài Gòn - Gia Định bắt đầu.

Trên mặt trận đường 4, bộ đội chủ lực và địa phương đã tiến công giải phóng nhiều mảng rộng lớn ven đường, tạo thuận lợi cho việc cắt đường 4 khi có lệnh.

V.H (tổng hợp)

 

Khi Xuân Lộc bị tấn công (9-4-1975), địch điều động 3 chi đoàn thiết giáp số 22, 315 và 318 từ Thủ Dầu Một về Xuân Lộc. Trên tuyến giáp ranh, địch còn 2 trung đoàn của Sư đoàn 5 và 1 chi đoàn cơ giới, bố trí từ Lai Khê đến xã Tân Bình tới Phước Vĩnh. Tại Lái Thiêu, Dĩ An, các đại đội bảo an, lực lượng dân vệ, dưới sức ép của bọn chỉ huy ác ôn, từng lúc vẫn tổ chức nông ra thăm dò, nhưng tinh thần đã hoang mang, dao động. Mặc dù vậy, bên trong địch vẫn tăng cường phòng thủ, bắt dân đào hào chông chiến xa quanh các đồn bót, nhất là vành đai bảo vệ nội ô thị xã.

Thực hiện kế hoạch tác chiến đợt 2 mùa khô 1974-1975 (từ 13-3 đến giữa tháng 4-1975), Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh điều chỉnh lực lượng, đưa Đại đội 74 đặc công về khu vực trọng điểm chỉ đạo của tỉnh, tập trung lực lượng quyết tâm giải phóng cơ bản 5 xã Bình Mỹ, Tân Bình (Phú Giáo); Vĩnh Tân, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi (Châu Thành), mở rộng bàn đạp cho Quân đoàn 1 triển khai lực lượng tiến công vào các mục tiêu trọng điểm trong Sài Gòn.

Đêm 10-3-1975, lực lượng Tiểu đoàn Phú Lợi 1 đánh bót bảo an ấp An Hòa, xã Hòa Lợi không thuận lợi, đơn vị chuyển qua đánh tua Mội Tiểu xã Hòa Lợi nhưng bị lộ, không dứt điểm. Trong khi đó, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 phục kích diệt 1 trung đội thuộc Tiểu đoàn bảo an 360 tại Bình Mỹ giữa ban ngày. Đại đội 62 Châu Thành đột nhập ấp chiến lược Phú Mỹ, bắt 2 tề xã, đánh thiệt hại nặng 1 trung đội bảo an; bao vây tua Suối Máng... Địch đóng chốt sở 49 bỏ chạy. Đoàn đặc công 119 phối hợp với Đại đội 63 Lái Thiêu diệt phân chi khu quân sự Thuận Giao. Đại đội 301 Tân Uyên phục kích Bình Cơ, đánh trung đội bảo an ở chốt Cây Sao đi mở đường, đánh thiệt hại nặng trung đội này. Ngày 1-4-1975, lực lượng biệt động thị xã đặt mìn hẹn giờ, đánh điểm tại nội ô thị xã, địch chết 8 tên, bị thương 11 tên (có 4 trung úy, 2 thiếu úy, 1 công an), làm hư 1 xe Jeep làm cho ngụy quân, ngụy quyền địch trong nội ô thị xã hoảng loạn.

Tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch, đêm 11-4-1975, Tiểu đoàn Phú Lợi 1 cùng lực lượng Đại đội trinh sát 73 tập kích bót An Lợi (xã Hòa Lợi), do Đại đội 2 Tiểu đoàn bảo an 360 đóng giữ, diệt 22 tên, bắt sống 5 tên, thu 28 súng (có 2 cối 60 ly, 2 súng đại liên), 2 máy PRC 25 và nhiều đồ dùng quân sự. Mất bót An Lợi, địch đóng ở bót Chánh Lưu, An Hòa nhốn nháo.

Trong khi đó, Đại đội 61 cùng du kích xã Thới Hòa, huyện Nam Bến Cát tập kích trung đội bảo an (thuộc Tiểu đoàn 353) ở tua Công Hồ, diệt 10 tên, thu 8 súng; tập kích trung đội bảo an đóng ấp chiến lược Cây Quéo xã Thới Hòa, diệt 16 tên.

Phát huy chiến thắng trên các chiến trường và trên địa bàn của tỉnh, hàng trăm đồng bào ở nhiều xã thuộc huyện Nam Bến Cát, Châu Thành, Dĩ An, Lái Thiêu trực diện đấu tranh với địch chống bắt xâu, đòi tự do đi lại làm ăn, đòi giải tán phòng vệ dân sự. Một số nơi quần chúng tranh thủ hù dọa, tác động, giúp đỡ binh lính đào bỏ ngũ.

Trong khi đó, trên toàn chiến trường miền Nam, quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị, cuối tháng 1-1975, trong lúc đợt I hoạt động mùa khô mới đi được nửa thời gian, Bộ Tư lệnh Miền đã họp đánh giá tình hình và xây dựng kế hoạch cụ thể đợt II mùa khô. Đồng thời Bộ Tư lệnh Miền cũng dự kiến nếu hướng tiến công chủ yếu của miền Nam (Tây nguyên) thắng lớn, có thể có đột biến, vì vậy chiến trường B2 phải thực hiện kế hoạch một cách khẩn trương, tích cực hơn nữa, sẵn sàng đón thời cơ chiến lược.

Để hoàn thành nhiệm vụ mở hành lang ở hướng tây nam Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Miền thành lập Đoàn 232, một tổ chức tương đương quân đoàn (gồm các Sư đoàn 5, 3, Trung đoàn 16). Để bảo đảm hậu cần cho Đoàn 232, Bộ Tư lệnh Miền thành lập thêm Đoàn hậu cần 240 đứng chân tại Tân An (Long An).

Thực hiện đúng quyết tâm, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Miền, trên chiến trường B2, lực lượng vũ trang đồng loạt mở nhiều chiến dịch và đợt hoạt động tổng hợp.

Ở vùng ven Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo đưa toàn bộ lực lượng địa phương, đặc công và biệt động xuống hoạt động chiếm lĩnh các địa bàn bao quanh Sài Gòn. Bộ đội địa phương các hướng Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức đều tiêu diệt được một số đồn bốt, mở rộng các lõm giải phóng. Các đoàn đặc công, biệt động đánh một số trận phối hợp tốt với chiến trường chung, đồng thời tiếp tục mở rộng hành lang, bàn đạp, triển khai lực lượng và chuẩn bị 60 mục tiêu vùng ven theo kế hoạch…

Cùng với quân dân toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một phát huy thắng lợi đã giành được, tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch trong khí thế náo nức lập công.

 

 HÀ THĂNG

(Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)