Đề xuất tăng thuế lĩnh vực văn hóa: Liệu có kìm hãm sự phát triển của ngành?

2024-10-30 07:23:49

Trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng các hoạt động văn hóa, nhiều đại biểu Quốc hội và những người thực hành văn hóa bày tỏ sự lo ngại rằng việc này sẽ đặt thêm rào cản cho công nghiệp văn hóa.

Cảnh trong vở "Bạch đàn liễu" của đoàn kịch LucTeam do đạo diễn Trần Lực sáng lập. 

Ngày 29/10, Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật chịu thuế suất 10%, thay vì 5% như trước đây.

Việc tăng thuế giá trị gia tăng với hoạt động văn hóa khiến nhiều đại biểu Quốc hội và những người thực hành văn hóa quan tâm, đặt ra câu hỏi rằng ngành công nghiệp văn hóa vốn đã gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 liệu có vướng thêm “rào cản” vì thuế hay không…

Không có nhiều Trấn Thành, Lý Hải

Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật).

Đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực, người sáng lập đoàn kịch tư nhân LucTeam, bày tỏ sự lo lắng.

“Là một đơn vị tư nhân, chúng tôi phải tự lực cánh sinh rất nhiều. Chúng tôi hoạt động như một công ty, nghĩa là phải đóng thuế đầy đủ. Thời gian dịch bệnh COVID-19, nghệ thuật biểu diễn ngưng trệ, LucTeam cũng như các đơn vị khác gặp khó khăn chất chồng. Nay, hoạt động sân khấu đang sôi động trở lại thì có thông tin về việc tăng thuế khiến chúng tôi rất băn khoăn,” đạo diễn Trần Lực chia sẻ.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực cho hay sân khấu kịch vốn phải nỗ lực rất nhiều để tồn tại, cạnh tranh với những kênh giải trí khác của khán giả ngày nay, đa phần các vở diễn dàn dựng xong chỉ mong hòa vốn, nghệ sỹ hoạt động vì đam mê và sự yêu nghề.

Ông cũng bày tỏ sự xót xa khi nhiều học trò của mình là các đạo diễn trẻ sau khi học thành tài lại phải bỏ nghề, chuyển hướng hoạt động vì không thể trụ lại với nghệ thuật biểu diễn.

Theo đạo diễn Trần Lực, cơ quan quản lý Nhà nước không nên “cào bằng” mức thuế bởi sân khấu kịch không thể có doanh thu như điện ảnh, hay ngay trong lĩnh vực điện ảnh, không phải tác phẩm nào cũng thành công như những bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải.

Cùng chung nỗi lo, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD cho rằng việc tăng thuế sẽ làm khó cho các doanh nghiệp vốn đã rất vất vả làm văn hóa, còn làm hạn chế, làm chậm lại sự đầu tư vào văn hóa, sẽ rất khó khăn trong tiến trình phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.

Theo bà Hạnh, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là một chính sách tài chính, mà còn là một bước tiến quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đất nước.

“Bằng cách hỗ trợ văn hóa qua các chính sách thuế hợp lý, chúng ta đang đầu tư vào nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Vì vậy, nếu không hỗ trợ thì giữ nguyên mức thuế chứ không nên tăng,” bà Hạnh nêu quan điểm.

Ngoài tác động đối với doanh nghiệp, bà Hạnh cũng cho rằng chính sách tăng thuế sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao.

“Người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả. Vì giải trí là thứ cắt giảm dễ nhất, mà người dân chỉ lưu ý cơm ăn áo mặc nên nếu tăng giá vé lên 5% nữa thì tổng doanh thu sẽ giảm chứ không tăng trưởng. Đó là ‘đòn’ giáng rất mạnh lên doanh nghiệp trong thời điểm đang khó khăn,” bà Hạnh bày tỏ.

Đảm bảo yếu tố tổng thể khi sửa luật

Nêu ý kiến tại Quốc hội ngày 29/10, bà Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị giữ mức thuế suất 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.

Bà Đông cho rằng việc tăng thuế lên 10% sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện, và các sự kiện văn hóa cơ sở.

Theo nữ đại biểu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa. Nhìn ra quốc tế, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp (phân bổ từ ngân sách nhà nước) và hỗ trợ gián tiếp (các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).

“Chính vì thế nên khi sửa các luật có liên quan đến văn hóa như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa,” đại biểu Trần Thị Thu Đông nói.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Bùi Hoài Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho rằng văn hóa cũng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong kỷ nguyên mới của đất nước, do đó, cần tăng cường đầu tư cho văn hóa. Đầu tư cho văn hóa sẽ có tác động phát triển du lịch, kinh tế...

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội. 

"Rất khó có thể tính toán được giá trị về mặt tiền bạc của các công trình văn hóa. Tôi lấy một ví dụ cụ thể nữa đó là khi chúng ta đi xem một bộ phim thì không thể định giá được niềm vui mà bộ phim mang lại. Chính vì thế nên khi sửa các luật như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa," đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Trước những ý kiến nói trên, ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng là cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.

“Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với những thay đổi, bổ sung mới trong hệ thống pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được, tính đến thời điểm hiện tại thì một số quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi luật,” ông Lê Minh Nam cho biết.

Theo đó, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách Thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ các nguồn thu; sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với quy luật phát triển thị trường và xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

“Tôi hoàn toàn chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn và băn khoăn về vấn đề điều chỉnh thuế suất. Băn khoăn là đúng song chúng ta cần đánh giá việc tăng thuế tác động như thế nào đến doanh nghiệp, liệu có phải là nguyên nhân chính gây khó khăn cho doanh nghiệp không,” ông Nam nói

Phân tích rõ hơn, ông Nam cho hay dự thảo Luật không chỉ điều chỉnh tăng thuế các hoạt động văn hóa, mà còn miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (được quy định tại Điều 5, Khoản 26, Điểm e), tức là có sự bao quát ở cấp độ vĩ mô, đảm bảo tính đồng bộ.

“Chúng ta không nên chỉ nhìn vào việc tăng thuế suất mà cho rằng ngành văn hóa không được quan tâm. Khi điều chỉnh chính sách, Nhà nước phải đảm bảo yếu tố trung lập, tổng thể, công bằng, khách quan, toàn diện,” ông Nam nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Báo Bình Dương