Đề xuất quy định khu vực không được chuyển nhượng để phân lô, bán nền
(BDO) Sở Xây dựng vừa có Tờ trình gửi UBND tỉnh về Dự thảo Quyết định quy định các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng kiến nghị không xây dựng kinh doanh nhà ở để bán dưới hình thức phân lô ven trục đường kết nối vùng, ven sông... được quy định cụ thể tại các đồ án quy hoạch
Theo đó, các khu vực không được phân lô, bán nền, gồm: Khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc đô thị như khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương; khu vực dọc bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng được quy định cụ thể tại các đồ án quy hoạch. Khu vực dọc bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên được quy định cụ thể tại các đồ án quy hoạch; khu vực tiếp giáp các tuyến cảnh quan chính của đô thị, trục đường chính kết nối vùng, khu vực xung quanh công trình điểm nhấn kiến trúc đô thị và các khu vực thuộc địa giới hành chính TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An.
Đối với khu vực tiếp giáp các tuyến đường chính (chiều rộng đường từ 23m trở lên), trên cơ sở đề xuất của các huyện, thị, thành phố, Sở Xây dựng công bố công khai các tuyến đường, khu vực được thực hiện dự án. Sở Xây dựng cũng đề xuất, đối với các khu vực khác ngoài danh mục nêu trên do UBND tỉnh quyết định từng trường hợp cụ thể theo quy định.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Việc ban hành quy định các khu vực thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền là cần thiết. Quy định này nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền; hướng dẫn các bên có liên quan trong quản lý, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật”.
PHƯƠNG LÊ