Đề xuất Quốc hội cân nhắc kỹ việc áp thuế phòng vệ thương mại
(BDO)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Minh phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp theo tỷ lệ phần trăm, trị giá tính thuế, thời hạn nộp thuế, việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại... là những nội dung trong dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội góp ý tại buổi làm việc chiều 25-3.
Các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo cơ sở giảm giá thành sản phẩm, giúp tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trình Quốc hội đã đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết, do vậy không phải chờ đến sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành thông qua Luật sửa đổi mà Quốc hội cần thông qua ngay tại kỳ họp này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết 10 hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định đã và đang thực hiện cam kết cắt giảm thuế, mở cửa thị trường. Việc ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cơ sở pháp lý cao khi luật hóa những cam kết trong các hiệp định, đồng thời bảo đảm thực hiện được ngay các cam kết trong TPP sau khi hiệp định này được ký kết.
Về đối tượng chịu thuế, một số ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc không áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), xét về bản chất, hàng hóa này được sản xuất và tiêu dùng ngay tại Việt Nam, được quản lý, giám sát chặt chẽ theo các quy trình thủ tục hải quan tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan. Nếu áp thuế nhập khẩu, vô hình trung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài, đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay tại sân nhà.
Đóng góp vào quy định miễn thuế nhập khẩu tại khoản 13 điều 16, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định miễn thuế với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, là chưa phù hợp với pháp luật đầu tư hiện hành.
Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) lý giải pháp luật đầu tư hiện hành áp dụng ưu đãi miễn thuế cho cả hai đối tượng là dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, cũng như ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chỉ áp dụng cho dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng được miễn thuế và điều kiện được miễn thuế là hai nội dung khác nhau. Nếu không quy định rõ, việc khuyến khích đầu tư ở những lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư sẽ gặp khó khăn. Để phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư, đại biểu đề nghị sửa Điều 13 thành miễn thuế với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ông Phan Văn Quý cũng đề nghị bổ sung quy định về hoàn thuế tại Điều 19 theo hướng hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu nhưng phải tái nhập, được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu, không phải nộp thuế xuất khẩu.
Về điều kiện hoàn thuế, để Luật áp dụng được chính xác và đảm bảo quyền lợi cho người được hoàn thuế, đại biểu đề nghị quy định hàng hóa tái nhập khẩu, tái xuất khẩu chưa qua sử dụng gia công chế biến hoặc hàng hóa còn trong giám sát của cơ quan hải quan, trường hợp không còn chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, được hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.
Bày tỏ đồng tình với quy định về miễn thuế, từ thực tế sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải nhập khẩu kính của nước ngoài tại Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị quy định miễn thuế với sản phẩm nhà kính công nghệ cao bởi nhà kính do trong nước sản xuất không chịu được báo cấp 7 trở lên, không di chuyển được, nhưng nhà kính của nước ngoài có thể chịu bão đến cấp 12, 13, người dân buộc phải sử dụng sản phẩm nhập khẩu. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao rất đắt, không miễn thuế nhập khẩu nhà kính sẽ gây khó khăn cho người dân, đại biểu nói.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị Quốc hội xem xét miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu làm hàng mẫu thí điểm sản xuất của doanh nghiệp và hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả động cơ thủy, máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, vật tư chuyên dùng, thiết bị) dùng để đóng tàu biển xuất khẩu, tàu đánh bắt xa bờ và của cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích sản xuất trong nước.
Ông Đỗ Văn Vẻ cho rằng theo quy định của dự thảo Luật, hàng mẫu cho dù để thí điểm sản xuất hay chỉ là mẫu để “xem” hoặc “bắt chước” vẫn bị áp thuế vì luôn bị quy vào nhằm mục đích thương mại. Thực tế là hàng mẫu do doanh nghiệp nhập khẩu về để nghiên cứu, tham chiếu sẽ dẫn đến kết quả là hoặc có đơn hàng sản xuất (thành công), hoặc không thể sản xuất được theo mẫu đó. Do vậy, cần quy định rõ trong Luật việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng mẫu để nghiên cứu sản xuất, làm mẫu thí điểm sản xuất.
Nếu như còn quan ngại rằng doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu làm mẫu thí điểm để né/tránh thuế, trong Nghị định của Chính phủ sẽ quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn, cách thức giám sát,... để chống lợi dụng mà vẫn bảo vệ được số đông doanh nghiệp chân chính.
Một nội dung nữa của Luật được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại. Đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do và thông lệ quốc tế, các biện pháp phòng vệ, trong đó có việc áp các loại thuế này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thương mại tiến hành, có đủ bằng chứng và căn cứ xác đáng.
Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng sản xuất trong nước là cần thiết, để bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng, là biện pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, nếu áp dụng thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không có sự cân nhắc kỹ càng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Khi đưa ra thuế phòng vệ phải quan tâm đến thị trường nhiều hơn và phải tận dụng tối đa lợi thế của hội nhập trong kinh tế vĩ mô.
Đại biểu dẫn chứng gần đây nhất là việc áp dụng thuế phòng vệ đối với mặt hàng phôi thép. Chỉ một tuần trước khi quy định này có hiệu lực, thị trường thép trong nước đã có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá. Người tiêu dùng bị thiệt hại, giá thành xây dựng tăng lên và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất khi giá thế giới đang giảm, không nên xây dựng hàng rào phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước.../.
Theo TTXVN