Đề xuất hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em mồ côi, phụ nữ khó khăn vì COVIV-19
(BDO)
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương tặng quà cho con công nhân lao động mồ côi do COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng nguồn lực thực hiện khoảng hơn 127 tỷ đồng.
Đây là nội dung dự thảo tờ trình ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ.
Hỗ trợ 20 triệu đồng cho trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ
Đợt dịch bùng phát lần 4 là đợt dịch có số ca tử vong tăng cao từ trước tới nay, tính đến ngày 14/10, tại Việt Nam đã có 21.043 người tử vong do COVID-19. Nhiều trẻ em đã bị mồ côi do cha, mẹ bị tử vong vì COVID-19. Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy tính đến 15/10, cả nước có 2.352 trẻ em mồ côi vì COVID-19, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh (1.584 trẻ em) và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt, trong số đó trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 73 trẻ em và số mồ côi cha hoặc mẹ là 2.279 trẻ em.
Trong dự thảo của nghị quyết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất hỗ trợ tiền mặt trẻ em mồ côi do cha, mẹ chết trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2021 đến ngày 31/12/2021 vì nhiễm COVID-19. Mức hỗ trợ trẻ em mồ côi cả cha và mẹ 20 triệu đồng/trẻ em; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ là 5 triệu đồng/trẻ em. Dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ là 14,1 tỷ đồng trích từ nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ không có nguồn nuôi dưỡng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhóm trẻ em mồ côi do COVID-19 bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài các quy định chung.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ được thực hiện cùng với chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chương trình “Nối vòng tay thương” của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Sẽ có hỗ trợ cho nữ nhân viên y tế tuyến đầu
Dự thảo cũng quy định chính sách hỗ trợ nữ nhân viên y tế tuyến đầu trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc cấp độ 3, 4 của Nghị quyết số 128/NQ-CP tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021-31/12/2021.
Đối tượng hỗ trợ gồm cả người có chức danh nghề nghiệp chuyên môn y tế, các chức danh nghề nghiệp khác đang công tác trong ngành y tế và học viên, sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Kinh phí hỗ trợ dự kiến cho 100.000 người là 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
Mặt khác, dự thảo cũng quy định đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ đang mang thai hoặc sinh con trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ tiền mặt một lần là 2 triệu đồng/người. Dự kiến, số kinh phí hỗ trợ cho 2.000 người là 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất trích nguồn kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương để hỗ trợ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng. Mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/bà mẹ, tổng kinh phí hỗ trợ cho 4.615 người là 9,23 tỷ đồng.
Dự thảo nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đang được lấy ý kiến hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua./.
Theo TTXVN