Đề xuất giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính tại Bình Dương

Thứ tư, ngày 04/10/2023

(BDO) Chiều 4-10, tiến sĩ Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác tỉnh Bình Dương do ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Cùng dự có ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Lợi (bên phải) trao đổi với tiến sĩ Ngô Hải Phan về công tác cải cách thủ tục hành chính của Bình Dương

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương cho biết, bằng nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, vướng mắc, đến cuối tháng 9-2023, Bộ chỉ số theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử được công bố trên cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Dương đã đạt 73,4/100 điểm, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp loại khá.  

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, Bình Dương khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm mục đích phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Đáng chú ý, nhóm chỉ số mức độ hài lòng từ người dân, doanh nghiệp  đạt 17,7/18 trong thang điểm. Từ năm 2022, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4. 

Tiến sĩ Ngô Hải Phan đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bình Dương trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời chỉ ra điểm nghẽn và các giải pháp để công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới

Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), 2 năm liền Bình Dương xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố, chỉ số hài lòng SIPAS hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, 3 năm liên tiếp Bình Dương nàm  trong Top 7 ICF về chiến lược xây dựng thành phố thông minh trên thế giới.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Dương đã phân tích và chỉ ra nhóm vấn đề còn tồn tại các điểm nghẽn, trong đó có những vấn đề cụ thể được xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tỉnh cũng đã có kế hoạch giao trách nhiệm cụ thể, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ. 

Các đại biểu tham gia buổi làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ

Một số giải pháp của tỉnh sẽ triển khai như: Tổ chức thống kê TTHC nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, trọng tâm ưu tiên lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, tài chính… Tổ chức rà soát, xây dựng quy chế, quy trình giải quyết TTHC liên thông, các form điện tử (eFrom) trong lĩnh vực đầu tư và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp giữa các cơ quan nhà nước và cơ quan Đảng từ khâu cho chủ trương, thẩm định của các sở, ngành, địa phương để thực hiện liên thông. Đồng thời, rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo. 

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ

Phát biểu tại buổi làm việc, tiến sĩ Ngô Hải Phan đánh giá cao những nỗ lực trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương;  hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, cơ quan chuyên môn trong việc tự phân tích điểm nghẽn trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Đối với những khó khăn, vướng mắc các điểm nghẽn liên quan, tiến sĩ Ngô Hải Phan cho rằng tỉnh cần thường xuyên trao đổi với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính để kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ. 

Tiến sĩ Ngô Hải Phan nhấn mạnh, trên tinh thần xử lý các hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử phải kết nối dữ liệu chia sẻ để trong thời gian tới không yêu cầu người dân phải cung cấp các thông tin, mà chính chúng ta phải có trách nhiệm phục vụ người dân khi làm các thủ tục, giao dịch liên quan. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc

Phân tích những khả năng, ưu điểm của tỉnh Bình Dương, tiến sĩ Ngô Hải Phan đề nghị tỉnh cần đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 là tỉnh dẫn đầu về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xử lý dứt điểm ‘những điểm nghẽn” Đề án 06 về hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị đầu cuối, an toàn thông tin an ninh mạng. Tập trung xử lý hồ sơ công việc toàn trình và liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản điều hành với hệ thống thông tin giải quyết TTHC để triển khai xử lý hồ sơ công việc toàn trình tại các cấp. 

Tiến sĩ Ngô Hải Phan cũng đưa ra một số đề xuất, giải pháp cụ thể trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Theo đó,  Bình Dương cần có giải pháp đẩy mạnh tiến độ số hóa, cũng như đồng bộ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư các hệ thống thông tin chuyên ngành và kho dữ liệu trên cổng dịch vụ công quốc gia để tái sử dụng dữ liệu. Tái cấu trúc quy trình TTHC trên môi trường điện tư; xây dựng nâng cấp dịch vụ công trực tuyến tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.

Đổi mới bộ phận ‘một cửa” để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công và phát huy vai trò của Tổ Đề án 06 tại cộng đồng. Phát động chiến dịch 100 ngày đêm tập trung vào những vấn đề trọng tâm để tỉnh tháo gỡ các điểm nghẽn liên quan…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi cảm ơn Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã chỉ ra những điểm nghẽn trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, ông cho biết tỉnh Bình Dương sẽ tiếp thu và sớm triển khai các giải pháp để thực hiện tháo gỡ các điểm nghẽn góp phần nâng cao chỉ số cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Minh Duy