Đề xuất 10 giải pháp xử lý nợ xấu

Thứ hai, ngày 16/07/2012

Theo VAFI, 10 giải pháp này có thể giúp xử lý ít nhất 50% nợ xấu ngân hàng, không tốn nhiều tiền của nhà nước, làm lành mạnh hệ thống ngân hàng thương mại và giúp kinh tế nhanh phục hồi.

Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có bản đề xuất 10 giải pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Giải pháp đầu tiên mà VAFI đề xuất là các ngân hàng chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu, chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Việc làm này, theo VAFI, sẽ giúp ngân hàng thương mại nhanh chóng bù đắp tổn thất, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, có thể giảm quỹ lương nhưng làm tăng khả năng tài chính nội tại của ngân hàng.

Thứ 2, các ngân hàng cần có chính sách tiền lương, tiền thưởng hợp lý trong giai đoạn khó khăn này. Cách thức này giúp giảm chi phí một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho việc tăng mức trích lập dự phòng tỷ lệ nợ xấu.

Thứ 3, Nhà nước cần chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi theo 3 phương pháp. Nếu doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động… có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn. Điều này nhằm hỗ trợ thanh khoản và giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển.

Phương pháp thứ hai là chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần. Đồng thời, chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển. Theo lý giải của VAFI, đây là cách thức xử lý khá phổ biến theo thông lệ thế giới . Đối với Việt Nam, từ trước tới nay đã có rất nhiều trường hợp thành công, không những cứu được doanh nghiệp khỏi nguy cơ giải thể phá sản mà còn bảo toàn được nguồn vốn của các ngân hàng.

Để các điều kiện cơ bản để tiến trình chứng khoán hóa được thành công, theo VAFI, trong vai trò đồng chủ nợ các ngân hàng cần tích cực nâng cao tính cộng đồng hơn nữa, phối hợp với doanh nghiệp để xử lý nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng nên sử dụng các công ty con của mình như công ty quản lý mua bán nợ, công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ để tham gia chủ động vào tiến trình chứng khoán hóa.

Giải pháp xử lý nợ xấu thứ 4, ngân hàng cần tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng lên 40%. Đồng thời cũng cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên mức 25% hoặc 30% vốn điều lệ.

Thứ 5, Chính phủ cần cho phép một số ngân hàng nước ngoài có tiểm lực tài chính mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những nhà băng yếu kém. Những ngân hàng yếu kém, theo định nghĩa của VAFI, là những ngân hàng có quản trị kinh doanh yếu kém, có tỷ lệ nợ xấu rất cao.

Giải pháp thứ 6, Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng thật sự mạnh mua lại những ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, việc mua lại này cần sự hỗ trợ từ tài chính từ phía Ngân hàng nhà nước.

Thứ 7, miễn các loại thuế (thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp…) cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ. VAFI cho rằng, việc miễn các loại thuế về hoạt động mua bán nợ sẽ làm giảm tổn thất về nợ xấu, thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường mua bán nợ. Đồng thời, thực hiện giải pháp này sẽ không làm tốn kém ngân sách nhà nước.

Thứ 8, Nhà nước cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nghiệp vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính cho rằng, điều này giúp giảm lãi suất huy động, và giúp hệ thống ngân hàng thương mại có điều kiện huy động vốn dài hạn, thay vì ngắn hạn, đồng thời thúc đẩy tiến trình chứng khoán hóa các khoản nợ.

Phá băng thị trường bất động sản là giải pháp thứ 9 được VAFI đưa ra. Hiệp hội này lý giải, trong giai đoạn hiện nay vẫn còn hàng triệu người chưa có khả năng mua nhà, nếu giá nhà chỉ ở mức vài trăm triệu đồng một căn thì nhu cầu thực tế là rất lớn. Vì thế, nhà nước cần nhanh chóng biến sáng kiến căn hộ nhỏ tối thiểu 25m2 thành hiện thực.

Đồng thời, theo VAFI, Nhà nước nên giảm 50% thuế GTGT trong các ngành kinh tế đang gặp khó khăn như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, sửa chữa tàu biền, vận tải biển nội địa, cơ khí.

Giải pháp cuối cùng, thứ 10, Nhà nước nên cơ cấu lại phân bổ ngân sách cho năm 2013 theo hướng tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tằng. Không nên đặt mục tiêu tăng thâm hụt ngân sách mà phải là tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở giảm chi ở các ngành lĩnh vực chưa cấp thiết.

Nợ xấu theo báo cáo chính thức của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-3 là 8,6%, tương đương với 202.000 tỷ đồng. Để xử lý khoản nợ xấu này, nhà điều hành cũng gợi ý giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC) với số vốn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, giải pháp về công ty mua bán nợ xấu vẫn dừng lại ở mức tham khảo và bàn bạc, chứ chưa có gì chính thức, cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu là việc nên quyết định và hành động nhanh để tránh những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng hứa sẽ đưa ra những biện pháp cụ thẻ trong năm nay để trình Chính phủ.

Theo VNE