Để xảy ra tham nhũng, 14 quan chức bị cách chức
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, đã có gần 70 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý. Trong số này, 14 vị bị cách chức, 16 trường hợp nhận cảnh cáo.
Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thiệt hại do tham nhũng gây ra tính từ tháng 8-2010 đến hết tháng 7-2011 lên tới 11.400 tỷ đồng, trong đó tội tham ô chiếm 50% số vụ và 45% số bị can; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản trên 15% số vụ và 13% bị can… Thu nộp ngân sách nhà nước trên 300 tỷ đồng từ xử lý các vụ án tham nhũng.
67 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý. Trong đó, 14 người bị cách chức, cảnh cáo 16 người. Cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 180 vụ án với trên 300 bị can thuộc các nhóm tội tham nhũng.
Theo Tổng Thanh tra, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Việc kê khai tài sản có tiến bộ, bắt đầu đi vào nề nếp; công khai minh bạch tài sản cũng dần đi vào thực chất, khắc phục bệnh hình thức trước đây.
13 bộ ngành trung ương và 11 địa phương đã hoàn thành toàn bộ việc kê khai tài sản năm 2010. Số còn lại kê khai lần đầu đạt trên 96%. Một số người đứng đầu các cơ quan nhà nước bị phê bình, xử lý do vi phạm quy định hoặc chậm tổ chức kê khai. Theo ông Tranh, quá nửa số cơ quan hưởng lương từ ngân sách đã thực hiện trả lương qua tài khoản. Tuy nhiên, kê khai tài sản thu nhập vẫn chưa đạt hiệu quả do chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập trong toàn xã hội.
Theo ông Tranh, dù Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đã tích cực chỉ đạo các cơ quan điều tra truy tố xét xử, đẩy nhanh tiến độ các vụ án tham nhũng nghiêm trọng song công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều hạn chế đã từng được nêu ở các báo cáo trước đây như thể chế phòng chống tham nhũng, cơ chế bảo vệ người tham nhũng chưa hoàn thiện… Một số vụ việc, vụ án xử lý chưa tương xứng, xử lý kéo dài gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong xã hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực nhạy cảm này ở VN còn sơ hở, bất cập so với thực tế; chưa có quy định về một số biện pháp kỹ thuật điều tra, đặc biệt với hành vi tham nhũng cũng chưa có quy định về nghĩa vụ chứng minh đối với người có chức có quyền trong trường hợp tài sản của họ tăng lên một cách bất thường. Trong năm tới, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần ban hành nghị định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan trong việc thực hiện nghĩa vụ công khai, minh bạch của đơn vị; thông tư về quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng; nghiên cứu biện pháp kiểm soát thu nhập đối với quan chức.
“Cần hoàn thiện mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng, cho thí điểm mô hình chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh là bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch hội đồng nhân dân. Từ đó rút kinh nghiệm để lựa chọn mô hình phù hợp”, ông Tranh kiến nghị trước Thường vụ Quốc hội.
Thẩm tra báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, báo cáo còn nhiều thiếu sót như các hạn chế đều là những thông tin cũ; không nêu rõ nơi nào xử lý tốt, nơi nào xử lý yếu nạn tham nhũng. “Nhiều vụ án tham nhũng giải quyết kéo dài, khởi tố nhiều năm vẫn chưa xong, có vụ khởi tố xong thì đình chỉ do bị can đã khắc phục hậu quả…”, ông Hiện nói.
Về kết quả thu hồi cho ngân sách từ các vụ tham nhũng, theo Ủy ban Tư pháp, số tiền thu hồi 300 tỷ đồng chỉ chiếm 2,6% thiệt hại là con số quá nhỏ. Đặc biệt, chỉ số tham nhũng của VN không hề cải thiện…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, báo cáo của Thanh tra tuy nêu được nhiều vấn đề song vẫn chung chung. “Báo cáo chưa có đánh giá thật đúng, chưa vẽ lên bức tranh của phòng chống tham nhũng, kết quả từng mặt, phân tích nguyên nhân chưa rõ”, ông Lý nói.
Ông Lý cảnh báo tình trạng “nhờn thuốc”, phản tác dụng khi áp dụng các biện pháp tuyên tuyền, giáo dục phòng chống tham nhũng do chất lượng không cao. Ngoài ra, kiến nghị thay đổi trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh là bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch HĐND thay cho chủ tịch UBND chưa thể hiện rõ lập luận.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu thí điểm mô hình thay đổi người đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh sẽ làm trái quy định của luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng hoài nghi về căn cứ đề xuất này. “Bí thư làm chắc gì đã tốt? Nếu Thanh tra kiến nghị Quốc hội thì phải có tổng kết, đánh giá riêng”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Để làm tốt công tác này trong năm tới và những năm tiếp theo, Chủ tịch yêu cầu Thanh tra Chính phủ cần hoàn thiện, bổ sung báo cáo với nhiều số liệu, biện pháp… cụ thể khi trình. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cũng cần phối hợp để khi trình trước Quốc hội, báo cáo phải có chất lượng, để đại biểu tập trung thảo luận.
“Cần nói rõ mục tiêu bao giờ đẩy lùi được tham nhũng. Năm sau có đỡ nghiêm trọng không? Nếu sang năm chưa đẩy lùi thì mấy năm nữa?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Tiếp thu các ý kiến, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết sẽ hoàn thiện thêm báo cáo đồng thời rút kiến nghị về thay đổi người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Theo VNE