Để trẻ phát triển khỏe mạnh: Cần chú ý phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng
Nhân Tháng hành động vì trẻ em, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) chuyên khoa nhi Võ Nguyễn Diễm Thy, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh về bổ sung vi chất dinh dưỡng (VCDD) như thế nào để trẻ phát triển khỏe mạnh…
- BS đánh giá như thế nào về thực trạng sức khỏe trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Theo số liệu thống kê về tình trạng thiếu vi chất bà mẹ và trẻ em, cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A huyết thanh là 10%, tỷ lệ thiếu vitamin A trong sữa mẹ là 35%; tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em < 5 tuổi là 52,8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 26,5%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ trước khi mang thai là 24,6%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 9,7%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 22,5%.
Điều đó cho thấy, tình trạng thiếu VCDD ở Bình Dương ở nhóm đối tượng bà mẹ và trẻ em hiện nay vẫn còn cao, đặc biệt là tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai và ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra, tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu i-ốt vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, vấn đề quan trọng là cần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu i-ốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai.
Trẻ em cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ. Ảnh: HỒNG THUẬN
- Tại sao VCDD được coi là cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống, thưa BS?
- “VCDD cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống” là chủ đề của Ngày VCDD năm nay nhằm vận động và đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu VCDD cho bà mẹ và trẻ em.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay có khoảng 29,5% trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tại Việt Nam, thống kê vào năm 2013 có 25,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Cụ thể, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi sẽ có một trẻ bị thấp còi. Hầu hết các trường hợp thấp còi thường xảy ra khi trẻ nhỏ hơn 3 tuổi.
Suy dinh dưỡng và thiếu VCDD ở bà mẹ và trẻ em ảnh hưởng tới gần một nửa dân số thế giới. Các hậu quả để lại là thai nhi kém phát triển, bà mẹ dễ bị sinh non, sinh thiếu cân, thiếu máu và mắc các bệnh mãn tính khác, như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tim mạch... Vì vậy, phòng chống thiếu VCDD là một giải pháp quan trọng trong việc phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao sức đề kháng, phòng chống các bệnh nhiễm trùng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em.
- Vậy đâu là cách để phòng chống thiếu VCDD cho trẻ. BS có khuyến cáo gì đối với các bậc cha mẹ?
- Để phòng chống thiếu VCDD có nhiều giải pháp khác nhau. Trước hết cần phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ. Trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi cần được bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm vào tháng 6 và tháng 12. Bà mẹ cũng cần được bổ sung vitamin A liều cao trong vòng 1 tháng sau khi sinh. Những trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A như trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp… Cùng với bổ sung vitamin A, cần chú ý phòng chống thiếu máu do thiếu sắt cho trẻ bằng cách bổ sung viên sắt/acid folic cho phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tẩy giun định kỳ cho trẻ em từ 2 - 5 tuổi theo hướng dẫn của Bộ y tế; phòng chống rối loạn do thiếu i-ốt bằng cách vận động người dân sử dụng muối có i-ốt; tăng cường vi chất vào thực phẩm và bổ sung VCDD. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng trong phòng chống các bệnh do thiếu VCDD gâyra; đồng thời thực hành đa dạng bữa ăn, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất (giàu vitamin, sắt, kẽm...). Điều mà các bà mẹ cần chú ý là nên cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tăng cường sử dụng các thực phẩm có bổ sung VCDD để trẻ có đủ sức đề kháng, có sức khỏe tốt và phát triển khỏe mạnh.
- Xin cảm ơn BS!
HỒNG THUẬN