Để tránh nhiễm Covid-19 khi sử dụng phương tiện công cộng

Thứ năm, ngày 04/11/2021

(BDO) Ở nhiều quốc gia, khi biện pháp chống dịch được nới lỏng thì số lượng người sử dụng phương tiện công cộng cũng tăng lên. Khi đó, làm sao để hạn chế lây nhiễm trên các phương tiện này là vấn đề cần phải quan tâm.

Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, mọi người sẽ ngồi hoặc đứng gần với người khác trong thời gian dài, đồng thời sẽ chạm vào các bề mặt thường xuyên tiếp xúc. Chính điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) lưu ý.

Mang khẩu trang và giữ khoảng cách có thể giúp giảm nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 trên các phương tiện giao thông công cộng

Virus không chỉ lây qua không khí, mà còn các bề mặt xung quanh. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng là phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và giữ khoảng cách, theo Health24.

Ngoài ra, thay vì đóng kín cửa và bật máy lạnh, các phương tiện giao thông công cộng cần phải mở cửa sổ để không khí lưu thông tốt. Cách này có thể làm giảm mật độ virus trong không khí nếu không may có người nhiễm Covid-19.

Các nghiên cứu cho thấy vị trí ngồi và thời gian di chuyển có ảnh hưởng lớn đến nguy cơ lây nhiễm. Điều quan trọng là phải giảm mật độ hành khách, khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp khử khuẩn cá nhân, mang khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt trước khi lên xe, tàu thuyền hay máy bay, các chuyên gia khuyến cáo.

Mở hết cửa sổ taxi

Với xe taxi, một số bằng chứng khoa học cho thấy cách tốt nhất để 2 người ngồi chung xe giảm nguy cơ lây nhiễm là phải mở hết cửa sổ. Tài xế và hành khách ngồi càng cách xa nhau càng tốt.

Ngoài ra, mọi người cần hạn chế chạm tay vào các bề mặt trên phương tiện giao thông công cộng. Nếu đã chạm tay vào thì phải rửa tay bằng cồn sát khuẩn ngay lập tức.

Các cơ quan y tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đeo khẩu trang. Dù là người đã khỏi bệnh hay tiêm đủ vắc xin Covid-19 thì đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần vẫn là điều bắt buộc để phòng dịch, theo Health24.

Theo TNO