Để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng
(BDO) Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội có ý nghĩa đặc biệt, vừa góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng, vừa kích thích tiêu dùng xã hội để vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch. Để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu của Chính phủ thì việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa số tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Số tiền từ gói hỗ trợ này một khi được “bơm” vào thị trường thông qua tiêu dùng sẽ tạo ra nhiều việc làm, vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/ NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 18-5 đến 22-5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện gói hỗ trợ. Mục đích của đợt kiểm tra nhằm kịp thời ghi nhận, tháo gỡ vướng mắc giúp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng khó khăn; đưa số tiền hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cùng với các địa phương trong cả nước, đại dịch bệnh Covid-19 đã và đang để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội. Là một tỉnh chăm lo khá tốt cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bình Dương hiện vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, hộ khó khăn và người lao động mất việc làm cần được hỗ trợ. Qua rà soát của các huyện, thị, thành phố, toàn tỉnh hiện có hơn 18.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo; hơn 26.000 đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 6.800 người bán vé số lẻ. Cùng với các đối tượng nêu trên, tại Bình Dương hiện có nhiều đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng và người mất việc làm do dịch bệnh là lao động tự do từ các tỉnh thành khác đến Bình Dương làm việc.
Chính vì số đối tượng nhiều, lại đa dạng về thành phần, nơi cư trú, nên công tác rà soát là hết sức khó khăn. Nếu không rà soát kỹ sẽ xảy ra tình trạng một đối tượng được thụ hưởng nhiều lần hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, cần có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát của ngành lao động - thương binh và xã hội. Tiến độ thực hiện việc chi trả gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng tại Bình Dương vì thế có chậm hơn so với các địa phương khác. Nhưng bù lại, tại Bình Dương đến thời điểm này không có hiện tượng trục lợi chính sách hay vận động người dân viết đơn tự nguyện không hưởng gói hỗ trợ.
Mục đích, ý nghĩa của gói hỗ trợ là đã rõ. Việc một số đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ tự nguyện không nhận hỗ trợ để nhường cho người khó khăn hơn là biểu tượng cao đẹp của lòng nhân ái. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà chính quyền vận động người dân tự nguyện ký vào các tờ đơn in sẵn không nhận hỗ trợ là đi ngược lại ý nghĩa, mục đích của Chính phủ khi đưa ra gói hỗ trợ này cần phải nghiêm trị.
LÊ QUANG