Để sản phẩm sơn mài trở lại với thị trường nội địa
(BDO) Với việc hỗ trợ quảng bá, giữ vững thị trường trong nước cho các sản phẩm sơn mài, ngành công thương nỗ lực tìm ra hướng duy trì và phát triển ổn định làng nghề truyền thống địa phương.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sơn mài tại hội chợ do ngành công thương tổ chức
Giữ thị trường
Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vốn nức tiếng cả nước bởi chất lượng, sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Một thời, nghề sơn mài là niềm tự hào của Bình Dương, không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động từ các nơi khác đến.
Khi kinh tế bước vào đổi mới, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp dần mai một bởi cơ chế thị trường. Nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề, một số cơ sở sản xuất lớn không thể duy trì sản xuất do không có nguồn vốn đầu tư dài hạn. Từ hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất, đến nay Tương Bình Hiệp chỉ còn khoảng vài chục cơ sở. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm tuổi, nhiều thế hệ người dân nơi đây vẫn giữ được nét đẹp truyền thống bên trong những sản phẩm sơn mài.
Để thích ứng với thị trường, làng nghề có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sinh hoạt. Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như: Sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc, kết hợp trên nhiều chất liệu khác như gỗ, gốm, tre, sản phẩm sơn mài đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính. Và dĩ nhiên, không phải tự nhiên mà sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được đánh giá cao. Chất lượng sản phẩm tốt, đường nét tinh tế, sự tinh xảo, mượt mà. Đặc biệt, tranh sơn mài Tương Bình Hiệp còn chịu đựng được cả trong môi trường lạnh không bị bong tróc, biến dạng.
Để làng nghề không bị mai một, người dân có thể sống được với nghề đang là nỗi băn khoăn của lớp nghệ nhân lớn tuổi, của các cấp ngành chức năng hiện nay. Bà Lê Mộng Thắm, người gắn bó với nghề sơn mài tại địa phương cho biết: “Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sản phẩm sơn mài truyền thống của địa phương cũng đối mặt với nhiều thách thức do thị hiếu, thị trường có nhiều loại sản phẩm cạnh tranh với sơn mài như tranh, ảnh 4D…”. Để theo kịp cơ chế thị trường, dựa trên nền tảng sơn mài truyền thống, các nghệ nhân làng nghề không ngừng cải tiến trang thiết bị sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm.
Lửa nghề luôn cháy hết mình song với các DN, cơ sở sản xuất, “chìa khóa” để giúp nghề sơn mài tiếp tục tồn tại và phát triển chính là giải quyết được bài toán về kinh tế. Để nắm bắt thị trường, các DN, cơ sở sản xuất tích cực tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng theo xu hướng mới, vừa bảo tồn nét đặc sắc làng nghề để thích ứng và tồn tại. Điều đáng mừng là mấy năm gần đây, với xu thế tiêu dùng “xanh”, các DN, cơ sản xuất sơn mài đã nhận được nhiều đơn hàng lớn trong nước, nhất là dịp lễ, tết truyền thống. Với những đơn hàng này, các cơ sở có doanh thu ổn định, rất phấn khởi khi thị trường trong nước bắt đầu khởi sắc trở lại.
Tạo điều kiện để quảng bá
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương cho biết, để hỗ trợ làng nghề phát triển, tỉnh đã và đang triển khai nhiều cơ chế chính sách dành cho làng nghề, đơn cử như dự án phát triển du lịch liên kết với làng sơn mài, xây dựng nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ vốn… Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành công thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của các DN, cơ sở sản xuất, kết quả đem đến rất thành công và tạo thêm động lực để các đơn vị nỗ lực giữ gìn, phát triển nghề.
Theo ông Đinh Công Thiệu, chủ cơ sở sơn mài Đinh Thiệu (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), ông đã 3 lần tham gia trưng bày tại hệ thống siêu thị Aeon. Cả 3 lần, doanh số bán hàng rất tốt, sản phẩm sơn mài truyền thống có khách riêng. Điều mà ông Thiệu cảm thấy vui hơn cả là cho sự trở lại của khách hàng nội địa. Rất nhiều người Bình Dương và các tỉnh có xu hướng đang quan tâm trở lại nhiều hơn đến sơn mài, đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. Ông Thiệu cho biết đem đến các chương trình giới thiệu sản phẩm, ông lựa chọn những tác phẩm được đầu tư công phu, kèm theo kỳ vọng lớn là sẽ có ngày sản phẩm sơn mài trở lại sự hưng thịnh một thời.
Theo chân bà Trương Thị Thúy Diễm, chủ cơ sở sơn mài Thùy Vân rong ruổi các phiên hội chợ hàng Việt tại các địa phương mới thấy hết tâm huyết của những người làm nghề sơn mài. “Mỗi phiên chợ dù chỉ bán được vài món hàng song điều chúng tôi vui nhất là người tiêu dùng trong nước đã quay trở lại với sơn mài. Đây thực sự là động lực lớn của các cơ sở sơn mài lâu năm. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm thiên về ứng dụng trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất. Mong muốn lớn nhất là thế hệ trẻ giữ được sự yêu thích với sơn mài”, bà Trương Thị Thúy Diễm chia sẻ.
Nghệ nhân Lê Bá Linh trăn trở: “Cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ còn rất ít người đam mê với nghề sơn mài. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống thì cần đào tạo thế hệ trẻ, yêu nghề thì mới giữ gìn và phát triển được làng nghề”. Ông Linh mong muốn trong thời gian tới sẽ có sự kết hợp giữa Nhà nước - nhà trường - DN để gìn giữ ngành nghề truyền thống.
TIỂU MY