Để rộng đường xuất khẩu

Thứ sáu, ngày 11/12/2020

(BDO)  Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, muốn mở rộng thị trường quốc tế, doanh nghiệp (DN) phải nâng cao chất lượng sản phẩm, triển khai các giải pháp quản trị nhân lực, quản trị sản xuất khoa học và tuân thủ đúng chuẩn cam kết của các hiệp định.

 Sản xuất tại Công ty TNHH Hiệp Long (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An)

 Thích ứng với xu thế “xanh”

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,5 tỷ USD. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều có sự tăng trưởng tốt là rất phấn khởi, Trong con số tăng trưởng của cả nước, các DN Bình Dương chiếm gần 50% tổng kim ngạch và ngày càng mở ra những triển vọng lớn cho sự phát triển.

Tuy nhiên, sau dịch bệnh, các thị trường đều có quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc, tính hợp pháp của gỗ. Người tiêu dùng tại các thị trường chủ lực không chấp nhận sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Để duy trì được thị phần xuất khẩu, DN trong nước bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ từ rừng trồng. Mới đây, Viforest cũng đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, kiên quyết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp, đồng thời chính thức ra mắt Quỹ “Việt Nam xanh”.

Ông Thanh cho biết việc cam kết xanh cũng nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Công ước về buôn bán quốc tế đối với các loài nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Không chỉ riêng những cam kết môi trường mà Việt Nam đã ký kết, trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ, môi trường hay phát triển bền vững là nội dung không thể thiếu.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Dự án này thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may. Theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may, trong 3 năm qua, tại Bình Dương rất nhiều DN đã gấp rút triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các DN thành viên.

Bắt nhịp để phát triển

Với kinh nghiệm nhiều năm bán hàng cho thị trường Âu - Mỹ, ông Thanh cho rằng chúng ta đang cạnh tranh với những nền kinh tế tương tự Việt Nam như Thái Lan, Indonesia... nên việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là điều tối quan trọng trong các ngành sản xuất. Bởi nếu chỉ cần một vài sai sót, các đơn hàng sẽ chuyển hướng qua các quốc gia lân cận. Đặc biệt là đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu qua các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, các đối tác đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chí môi trường, lao động, quản trị sản xuất… nhất là sau dịch bệnh Covid-19, yếu tố sức khỏe luôn được các quốc gia đề cao số một.

Điều ông Thanh đặc biệt nhấn mạnh đối với cộng đồng DN vừa và nhỏ là: “Muốn cam kết được về chất lượng hàng hóa thì phải có công nghệ, muốn có công nghệ thì DN nhỏ và vừa phải chủ động về nguồn vốn và tầm nhìn chiến lược trong phát triển sản xuất. Đây là điểm cơ bản, nút thắt trong sản xuất, phân phối thương mại mà Việt Nam đang thiếu”. Ý kiến này của ông Thanh cũng trùng khớp với tư duy sản xuất, kinh doanh của doanh nhân Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Ngọc Minh cho rằng DN nhỏ và vừa cần chú trọng về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh, nhất là nguồn vốn để phát triển công nghệ. Do đó, DN rất cần các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo, nâng cấp tư duy chiến lược tổng thể từ Nhà nước, nhất là nguồn vốn ưu đãi. Từ đó sẽ giúp thay đổi căn bản thói quen sản xuất cũ, có cơ sở tăng đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

 TIỂU MY